Hôm nay (25/6), Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ diễn ra tại Hà Nội nhằm đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về công tác phòng, chống tham nhũng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ và cho cả nhiệm kỳ tới.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chúng ta làm từ lâu, nhưng từ Đại hội XII, công tác này được đẩy mạnh quyết liệt, triệt để với chủ trương huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc, đúng như Bác Hồ từng căn dặn phải dựa vào dân: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều thông điệp nêu bật ý chí, chủ trương và cách làm của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chẳng hạn, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10/2017, Tổng Bí thư nêu quan điểm: "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", tức là tập trung nhiều hơn với những trường hợp tham nhũng là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 11/10/2017, Tổng Bí thư khẳng định: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Dự và phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng bước đầu đạt kết quả cụ thể, tích cực. "Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu". Tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018, Tổng Bí thư khẳng định: "Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm".
Thực tế, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, một loạt đại án liên quan đến tham nhũng, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; các vụ việc liên quan đến các cựu quan chức như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa; vụ việc Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; các vụ việc tiêu cực ở Thanh Hóa, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… đã và đang được xử lý kiên quyết, cho thấy quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chống tham nhũng không có giới hạn, không có vùng cấm. Thực tiễn đã khiến tư duy xã hội thay đổi khi trước đây có quan niệm quan chức nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn” thì nay ngay cả nhiều người nghỉ hưu có vi phạm cũng bị đưa ra truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật của Đảng.
Trước thềm hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: Những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Do đó, hơn bao giờ hết, với động cơ trong sáng, lành mạnh, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc cán bộ, đảng viên sai phạm, để làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.
Theo chinhphu.vn