Sáng 26-5, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện
Quy chế dân chủ ở cơ sở do đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ
LĐ-TB&XH, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn có buổi
làm việc với Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Quảng Ninh trong thực
hiện Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 10-2-1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về
xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cùng dự có đồng chí Lâm Phương Thanh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư,
lãnh đạo Hội CCB Việt Nam, một số cơ quan thuộc Ban Dân vận T.Ư, Văn
phòng Chính phủ. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Vũ Hồng Thanh,
Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh
đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã nghe
đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh
ủy báo cáo khái quát kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh
trong thời gian qua.
Theo đó, sau 17 năm thực hiện Chỉ thị số
30 của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp
của tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả làm cho nhận
thức của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có sự chuyển biến
rõ nét thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là
thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công; quyền
làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân được phát huy, từ đó làm cho nhân dân
nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động tham gia bàn
giải pháp phát triển kinh tế, những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết
thực tại cộng đồng, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền,
tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh
tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Nổi bật là việc thực hiện Quy chế dân
chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách
nhiệm của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, các cơ
quan, doanh nghiệp, đồng thời củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của
các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; mối quan hệ giữa
đảng viên và quần chúng, vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân
dân làm chủ được hiệu quả, huy động nguồn lực xã hội thực hiện các chủ
trương lớn của tỉnh.
Việc thực hiện quy chế đã góp phần cải
thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư thu hút
nhiều nhà đầu tư đến địa phương triển khai hàng loạt các dự án lớn…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ
Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã chủ
động triển khai một cách đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, nên đã thu
hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân
trong việc triển khai các chương trình vận động, tiến hành đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là triển khai chương trình xây dựng
nông thôn mới, hoàn thiện các thể chế để phát huy tiềm năng, lợi thế.
Tỉnh cũng chủ động đưa ra các giải pháp
thiết thực để cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, xây dựng
Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và thực hiện Đề
án 25 một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Hiệu quả của việc phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và diện mạo của tỉnh ngày càng đổi mới.
Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiện
nay trên địa bàn còn có một số vấn đề bức xúc liên quan đến đền bù, giải
phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, quy hoạch, di dời các chợ và còn
tồn tại một số dự án hạ tầng chậm được triển khai dẫn đến khiếu nại, tố
cáo…
Đồng chí kiến nghị với đoàn một số vấn
đề như: Cần phải có giải pháp để thực hiện dân chủ gắn với kỷ cương,
thông qua các chế tài xử lý cụ thể, đảm bảo tính răn đe; cần nghiên cứu,
xem xét một cách tổng thể để có giải pháp phát triển tổ chức chính trị
xã hội trong doanh nghiệp…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn
Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã bày tỏ đồng tình, đánh giá cao
kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh.
Về các giải pháp của tỉnh trong thời
gian tới, đồng chí đề nghị tập trung vào một số nhiệm vụ đó là: Đẩy mạnh
hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản liên quan đến Quy
chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng,
người đứng đầu, lấy kết quả thực hiện quy chế làm thước đo để đánh giá
cán bộ; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại các quy chế,
quy tắc, nội quy để điều chỉnh cho phù hợp, nhất là cần chuẩn hóa các
quy trình thủ tục liên quan đến việc tham gia của người dân; đẩy mạnh
công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo
đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát ở tất cả các cấp; đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính;
tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đơn thư, khiếu kiện đông
người, phức tạp…
Đoàn khảo sát cũng tiếp thu đầy đủ kiến
nghị của tỉnh Quảng Ninh để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu,
xem xét sửa, đổi trong thời gian tới.
Nguồn: baoquangninh.com.vn/ Quang Minh, ngày 26/5/2015