Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quy
chế dân chủ ở cơ sở và công khai, minh bạch trong quản lý có tác động to
lớn đến kết quả sản xuất và thu nhập của người lao động, những năm qua,
Nông trường Nghĩa Trung (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) đã cụ thể
hóa quy chế này vào hoạt động. Nhờ đó, năng suất vườn cây được nâng lên,
thu nhập của công nhân được cải thiện.
DÂN CHỦ, CÔNG KHAI...
Những năm qua, Ban giám đốc Nông trường Nghĩa Trung luôn xác định môi
trường làm việc là yếu tố quan trọng giúp người lao động yên tâm sản
xuất, từ đó nâng cao năng suất, đảm bảo thu nhập ổn định. Do vậy, đơn vị
đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đến toàn thể cán bộ,
viên chức, lao động (CBVC-LĐ) thông qua các hội nghị dành cho người lao
động của nông trường. Qua đó, người lao động được bàn bạc, trao đổi,
biểu quyết các kế hoạch sản xuất, mục tiêu nhiệm vụ của tổ, nông trường
và từng cá nhân. Đồng thời cùng ban giám đốc xây dựng kế hoạch chi tiết
những quy định, công việc phải làm, sản lượng được giao, vật tư được
nhận, các chế độ, chính sách được hưởng tạo môi trường làm việc gần gũi,
đoàn kết giữa lãnh đạo với người lao động.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Nghĩa
Trung cho biết: Trung bình mỗi tháng, các tổ sản xuất họp công nhân một
lần để triển khai nội dung, kế hoạch. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện
vọng và giải quyết kịp thời những thắc mắc, tạo niềm tin cho người lao
động. Thời điểm này, giá mủ cao su xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến
thu nhập của người lao động nên ban giám đốc thường xuyên gặp gỡ công
nhân để lắng nghe ý kiến, động viên họ cùng nông trường vượt qua khó
khăn.
|
Công nhân tổ 11, Nông trường Nghĩa Trung xem kết quả lao động
sau một ngày làm việc trên bảng tin của tổ |
“Mỗi khi nông trường triển khai các quy chế, định mức lao động, bố
trí vườn cây... chúng tôi đều được tham gia thảo luận cùng lãnh đạo để
đưa ra đơn giá, định mức phù hợp cho từng vườn cây, từng công nhân.
Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng của cấp trên nên rất
yên tâm sản xuất” - anh Lê Đức Sinh, công nhân khai thác tổ 9 chia sẻ.
Nông trường cũng công khai, minh bạch trong quản lý. Hiện nông trường
có 13 tổ sản xuất, mỗi tổ có một bảng tin. Mọi thông tin về phiếu mủ,
định mức công việc, nghiệm thu khối lượng, thanh toán tiền lương, ca
trưa, độc hại, bảo hiểm, kế hoạch cấp phát, giao nhận vật tư và các chế
độ chính sách... đều được tổ trưởng cập nhật hàng ngày.
... VÀ HIỆU QUẢ MANG LẠI
Từ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai minh bạch trong quản lý
đã giúp cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong đơn vị hiểu rõ trách
nhiệm và quyền lợi của mình. Nhờ đó, 5 năm qua, nông trường liên tục
hoàn thành các chỉ tiêu cấp trên giao và nghị quyết của nông trường về
sản xuất. Sản lượng khai thác mủ vượt 1.473 tấn, đạt 111,5%. 9 năm liền,
nông trường nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn Công nghiệp cao su
Việt Nam. 5 năm liên tục, năng suất lao động bình quân đạt 7.290kg/năm.
Chất lượng mủ khai thác luôn dẫn đầu công ty với 99,1% mủ nước loại 1,
100% mủ tạp loại 1. Các chỉ tiêu về kỹ thuật, tái canh trồng mới và chăm
sóc vườn cây kiến thiết cơ bản liên tục được xếp loại giỏi. Nhiệm kỳ
2010-2015, lương bình quân của công nhân 11,03 triệu đồng/tháng, tăng
69,6% so với nghị quyết. Tổng thu nhập trong năm từ tiền lương, thưởng,
ca trưa đạt 148 triệu đồng/lao động/năm, tăng 42% so với nhiệm kỳ trước.
Đến nay, nông trường có 85,8% số hộ khá, giàu, không có hộ nghèo.
Chị Đỗ Thị Quỳnh, công nhân khai thác tổ 10 nói: “Nhờ tinh thần dân
chủ và công khai, minh bạch trong quản lý đã tạo cho công nhân yên tâm
lao động. 6 năm liên tục, tôi luôn đạt sản lượng trên 10 tấn/năm. Năm
2012, tôi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen vì
đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất”.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn/ Thùy Hương, ngày 27/6/2015