Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC),
Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (MT&TNTN)- Trường Đại học
Cần Thơ đã xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ
chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Năm 2014, Khoa được
UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen đã có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo,
xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC.
Khoa MT&TNTN có thế mạnh về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công
nghệ các lĩnh vực MT&TNTN, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học,
đánh giá chất lượng môi trường, độc tố học môi trường, xử lý chất thải
rắn và nước thải ở vùng đô thị, đánh giá tác động môi trường, quản lý
môi trường, quy hoạch sử dụng đất đai, ứng dụng GIS và viễn thám trong
các lĩnh vực có liên quan… Khoa đảm nhận đào tạo tiến sĩ các ngành Môi
trường đất và nước, Quản lý đất đai; đào tạo thạc sĩ các ngành Khoa học
môi trường, Quản lý môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản lý đất đai;
đào tạo đại học các ngành Khoa học môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản
lý môi trường, Quản lý đất đai, Kỹ thuật tài nguyên nước… Hiện nay,
Khoa có 71 cán bộ; trong đó, có 52 cán bộ giảng dạy (gồm 1 Giáo sư tiến
sĩ, 9 Phó Giáo sư tiến sĩ, 13 tiến sĩ và 29 thạc sĩ), với hơn 1.600 sinh
viên và 247 học viên cao học và 40 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ngoài việc
đào tạo, Khoa còn tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường,
Bộ và Nhà nước. Theo ông Nguyễn Hiếu Trung, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng
Khoa MT&TNTN, lãnh đạo Khoa luôn xác định thực hiện QCDC nhằm phát
huy quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức, sinh viên,
nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác dạy và học, xây dựng đơn vị
vững mạnh, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Những năm qua, thông qua các cuộc họp, hội nghị cán bộ viên chức,
Đảng ủy và Ban Chủ nhiệm Khoa đã triển khai trong cán bộ, đảng viên,
viên chức các văn bản có liên quan về thực hiện QCDC. Hằng tuần, Khoa tổ
chức họp giao ban giữa đại diện Đảng ủy, lãnh đạo Khoa, các đoàn thể,
bộ phận trực thuộc. Nhờ đó, cán bộ chủ chốt nắm tình hình hoạt động của
Trường, Khoa trong tuần qua; đề ra kế hoạch trong tuần tới... Cô Nguyễn
Thị Song Bình, giảng viên Bộ môn Tài nguyên đất, cho biết: "Sau cuộc họp
giao ban đầu tuần, lãnh đạo Khoa gửi biên bản cuộc họp đến các bộ phận
trực thuộc để thông tin cho cán bộ, viên chức được biết. Tôi thấy cách
làm này dân chủ, mọi người nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, đầy
đủ". Đặc biệt, trong hội nghị cán bộ viên chức hằng năm, lãnh đạo Khoa
đánh giá hoạt động năm qua, đề ra mục tiêu, kế hoạch công tác năm tới để
cán bộ, viên chức đóng góp ý kiến. Hằng năm, vào các buổi họp mặt giữa
lãnh đạo trường và đại diện sinh viên, đại diện lãnh đạo Khoa tham dự để
nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên và có hướng giải
quyết kịp thời. Cô Nguyễn Thị Song Bình cho biết thêm: "Hầu hết cán bộ,
nhân viên đều tán thành cách làm của lãnh đạo Khoa. Mọi việc đều đưa ra
bàn bạc, dân chủ công khai, tạo được sự thống nhất, đoàn kết trong tập
thể...". Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến cán bộ, viên chức,
sinh viên được triển khai trong các cuộc họp hoặc thông tin qua website
của khoa, bộ môn, hộp thư điện tử của từng cá nhân để cán bộ, viên chức,
sinh viên biết. Những vấn đề cán bộ, viên chức thắc mắc đều được lãnh
đạo khoa giải đáp.
Không chỉ phát huy quyền làm chủ của cán bộ, viên chức, lãnh đạo Khoa
còn lắng nghe, tôn trọng quyền làm chủ của sinh viên. Ông Nguyễn Hiếu
Trung, cho biết: "Các ý kiến của sinh viên phản ánh trực tiếp, qua
email, cố vấn học tập, ban cán sự lớp, đoàn thanh niên hay trong những
lần gặp gỡ với lãnh đạo trường đều được lãnh đạo Khoa xử lý hoặc báo lên
trường giải quyết kịp thời". Em Phan Kỳ Trung, sinh viên K39, ngành
Quản lý tài nguyên và Môi trường, bộc bạch: "Hằng năm, lãnh đạo Khoa đều
tổ chức buổi gặp gỡ với đại diện sinh viên trao đổi thông tin và những
gì thắc mắc đều được lãnh đạo Khoa giải đáp". Em Đỗ Thị Ngọc Điệp, sinh
viên K38, ngành kỹ thuật môi trường, nói: "Các thầy cô trong Khoa, Bộ
môn dễ tiếp xúc nên các bạn sinh viên cũng mạnh dạn đóng góp ý kiến và
được các thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ". Một trong những cách thể hiện tính
dân chủ trong giảng dạy là lãnh đạo Khoa tổ chức cho sinh viên nhận xét
sau khi kết thúc học phần. Đây là kênh thông tin quan trọng nhằm giúp
giảng viên điều chỉnh phương pháp, cách thức tổ chức giảng dạy sao cho
đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu người học hơn. Khoa cũng triển khai
lấy ý kiến của sinh viên sau khi tốt nghiệp nhằm đánh giá hiệu quả công
tác giảng dạy cũng như thông qua đó có thể điều chỉnh chương trình đào
tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, để sinh viên khi ra trường ứng dụng được
những điều đã học vào công tác hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hiếu Trung, muốn thực hiện tốt QCDC, trước tiên người
đứng đầu phải gương mẫu thực hiện các quy định về QCDC; quan tâm, tạo
điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức trong đơn vị phát huy được
vai trò của mình trong tham gia thực hiện QCDC. Trong quá trình thực
hiện phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch trong các
hoạt động. Ông Trung nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để toàn
thể cán bộ, viên chức, sinh viên của Khoa nhận thức sâu sắc về thực hiện
QCDC. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện QCDC; nâng
cao chất lượng dạy tốt và học tốt, góp phần thúc đẩy khoa ngày càng
phát triển".
Nguồn: baocantho.com.vn/ Thanh Thy, ngày 9/8/2015