Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Góp ý dự thảo
Hướng dẫn quy trình hội nghị NLĐ và Quy chế đối thoại tại doanh nghiệp
(gọi tắt là Dự thảo) do Tổng LĐLĐVN tổ chức sáng 17/7 tại Hà Nội, với sự
tham dự của các cán bộ CĐ làm công tác chính sách pháp luật một số LĐLĐ
tỉnh, TP và CĐ ngành T.Ư.
Cần ngắn gọn, cụ thể hơn
Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, quy trình tổ chức hội nghị NLĐ
không cần phải qua bước trù bị và hội nghị cán bộ DN như Dự thảo hướng
dẫn. Theo Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên
Đoàn Mạnh Thắng, văn bản hướng dẫn cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Thực chất của hai hội nghị trên chỉ là công tác chuẩn bị cho hội nghị,
trong đó nói rõ CĐCS phải làm những gì, người sử dụng LĐ phải làm những
gì. Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ
tỉnh Bắc Giang Diêm Bích Liên bổ sung: DN nào cũng có quy chế tổ chức
hội nghị NLĐ, trong đó nói rõ trách nhiệm của từng bên: người sử dụng LĐ
chuẩn bị báo cáo, bố trí thời gian, địa điểm; CĐCS chuẩn bị báo cáo
thực hiện TƯLĐTT, tập hợp kiến nghị của NLĐ, phối hợp tổ chức hội nghị.
Một băn khoăn nữa được các CĐ ngành chia sẻ là do đặc thù công việc, quy
định phải tổ chức hội nghị NLĐ trong quý I là một khó khăn cho DN. Bên
cạnh đó, việc tổ chức đối thoại định kỳ cũng cần cụ thể hơn cho từng
loại hình DN. Theo Trưởng ban CS-PL CĐ Ngân hàng VN Nguyễn Thế Hanh, CĐ
Ngân hàng VN hiện có 8 CĐ cấp trên CS, trong đó lại chia ra làm hai
loại: Các cơ quan hành chính thuộc CĐ cơ quan Ngân hàng T.Ư phụ trách;
các ngân hàng (NH) thương mại, bảo hiểm tiền gửi, hợp tác xã, chính sách
xã hội… thuộc CĐ Ngân hàng phụ trách. Bên cạnh đó, các NH Công thương,
nông nghiệp lại có cả hệ thống chi nhánh rải rác khắp các tỉnh, thành,
thậm chí tới cả cấp huyện; NH CSXH thì có cả loại hình cổ phần; có CĐCS
phân tán ở 4 nơi… Vì thế, cần có hướng dẫn chi tiết cho từng loại hình
CĐCS trong việc thực hiện đối thoại định kỳ.
Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2013/NĐ-CP và Tổng LĐLĐVN có
Hướng dẫn số 175 về CĐ tham gia xây dựng quy chế đối thoại tại cơ sở,
nhiều đơn vị đã triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có
những vướng mắc và thiếu thống nhất trong quy trình tổ chức hội nghị NLĐ
và xây dựng quy chế đối thoại tại cơ sở. Đó là lý do Tổng LĐLĐVN xây
dựng Dự thảo này. Nhưng cũng theo ông Đoàn Mạnh Thắng, các văn bản của
Nhà nước mới chỉ dừng ở Nghị định 60/2013/NĐ-CP áp dụng cho các đơn vị
khác nhau, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện để các cấp chính quyền
chỉ đạo những người sử dụng LĐ thực hiện. Dự thảo này, nếu được ban hành
cũng chỉ dừng ở việc hướng dẫn cho các cấp CĐ thực hiện.
Ông Đặng Quang Điều cho biết, cả nước hiện mới có khoảng 60% số đơn
vị có tổ chức CĐ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua hội nghị
NLĐ, đối thoại tại DN. Vì thế, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp
chính quyền, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, để một chủ trương đúng đắn của
Nhà nước đi vào đời sống.
Nguồn: laodong.com.vn/ Kim Anh, ngày 18/7/2015