Sau 7 năm (từ năm 2008 đến nay) thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn”, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ
đạo, thực hiện đạt được nhiều kết quả toàn diện, quyền làm chủ của người
dân ngày càng được phát huy, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế -
xã hội phát triển theo hướng đô thị hiện đại.
Để Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thực sự đi vào đời sống, công tác tuyên truyền được tỉnh Bắc Ninh coi trọng. Toàn tỉnh tổ chức được hơn 500 hội nghị, lớp tập huấn cho trên 53 nghìn lượt cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, hệ thống Đài phát thanh cấp huyện và Đài truyền thanh cơ sở tăng thời lượng, mở các chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện tốt các quy định của Pháp lệnh.
Nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra” được các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng quy định của Pháp lệnh. Những nội dung công khai cho nhân dân biết được chính quyền cấp xã thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, từ đó các chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh, các loại phí, lệ phí… đều được công khai, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Những năm qua, nhân dân tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng trăm m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang đô thị, nông thôn...
Chính quyền cơ sở phát huy trí tuệ, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Trưởng khu phố và các thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 625/731 thôn, khu phố đã xây dựng được quy ước đảm bảo theo quy định của pháp luật và phù hợp phong tục, tập quán của địa phương. Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở tiếp nhận, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết 332 đơn thư của công dân liên quan đến tranh chấp đất đai, khiếu nại việc bồi thường hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách người có công với cách mạng, cứu trợ lụt bão... tạo niềm tin tưởng trong nhân dân.
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường, thị trấn tham gia giám sát 139 công trình (đạt tỷ lệ trên 80%), chủ yếu là các công trình, dự án có nguồn vốn của nhân dân đóng góp, 20% là các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn cấp trên. Thông qua hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng của các công trình, hạn chế lãng phí, gây tốn kém tài sản, tiền của nhà nước và nhân dân.
Qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nhân dân được phát huy tốt quyền làm chủ của mình trong đời sống, tạo ra bước chuyển biến mới trong việc xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh. Đời sống mọi mặt của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng cao, số hộ khá, giàu tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,56%.
Cùng với đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể quần chúng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân được nâng lên, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được tăng cường. Qua đó, tạo được bầu không khí thực sự dân chủ và cởi mở trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: baobacninh.com.vn/ Hữu Thắng, ngày 7/7/2015