Dự
hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận
Trung ương; Nguyễn Hữu Dũng, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức
Dũng, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Lan Hương, TUV, Trưởng Ban Dân
vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy; các sở,
ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và địa phương trong tỉnh. Đồng
chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện
Quy chế dân chủ tỉnh chủ trì hội nghị.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
cho các tập thể có thành tích xuất sắc |
Thực
hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, các cấp ủy đảng,
chính quyền, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức quán triệt,
triển khai Chỉ thị sâu rộng đến các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân
dân và tạo được sự đồng thuận hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả, tạo
không khí dân chủ, cởi mở trong toàn xã hội. Các cấp ủy đảng, chính
quyền, ban, ngành, đoàn thể đã nhận thức được tầm quan trọng việc thực
hiện Quy chế dân chủ cơ sở, do vậy đã nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo
trong tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị, Pháp lệnh, các nghị định,
đồng thời vận dụng sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội, tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thúc đẩy
và cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa
phương, đơn vị, tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, trách
nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hành
dân chủ ở cơ sở.
Trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, hầu
hết các địa phương đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy
ước, hương ước được nhân dân bàn bạc, góp ý, do đó các tập tục lạc hậu
trong việc tang, cưới, lễ hội từng bước được xóa bỏ. Người dân tự nguyện
tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động về
đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, khuyến học, xây dựng nhà đại đoàn
kết. Nhiều vấn đề mâu thuẫn gia đình, xã hội được các tổ hòa giải tham
gia cùng với sự đóng góp, giúp đỡ, giáo dục của cộng đồng, tình làng
nghĩa xóm được đề cao, trật tự trị an trong cộng đồng dân cư ngày càng
ổn định, vai trò tự quản ở cơ sở được giữ vững, phát huy.
Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần tạo điều kiện để
các cấp chính quyền đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát
dân hơn; tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng
của nhân dân; chăm lo, giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân
dân; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân
tốt hơn. Cụ thể, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ; rà
soát, bãi bỏ một số thủ tục phiền hà; công khai đường dây nóng về tiếp
nhận và xử lý thông tin; xây dựng tiêu chuẩn ISO, hiện đại hóa dịch vụ
công được quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 16/20 sở, ban,
ngành, 9/10 thành phố, thị xã, 141/141 xã, phường, thị trấn triển khai
thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; các cơ quan hành chính
nhà nước đã bãi bỏ 1.731 thủ tục hành chính, 944 mẫu đơn, mẫu tờ khai
và 891 yêu cầu không cần thiết. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các
loại hình doanh nghiệp và các đơn vị lực lượng vũ trang đã phát huy
quyền làm chủ của quân nhân, người lao động, tạo sức mạnh tổng hợp trong
thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị vững mạnh, qua đó góp
phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân, viên
chức và người lao động, khuyến khích, động viên kịp thời các tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và thực hiện nhiệm
vụ.
Qua tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phương thức lãnh đạo, chỉ
đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở
chuyển biến tích cực theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học
dân và có trách nhiệm với dân”, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước được tăng cường, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,
hách dịch, cửa quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây
dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong xây dựng và thực hiện Quy chế
dân chủ ở cơ sở như việc thực hiện ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả
chưa cao; một số công trình, dự án khi triển khai chưa lấy ý kiến tham
vấn từ nhân dân gây ra bức xúc dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Năng lực,
trình độ của một số cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc
liên quan đến người dân chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy vai trò,
trách nhiệm phục vụ nhân dân. Việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở
trong các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, hộ gia
đình chưa được chú trọng như chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật
về lao động. Từ đó, hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong
thời gian tới nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu quả
việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Ban Dân vận
Trung ương, thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ
ở cơ sở đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong triển khai, tổ chức
xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ theo Chỉ thị số 30 của
Bộ Chính trị trong thời gian qua. Về những tồn tại, hạn chế, đồng chí
yêu cầu địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận và tìm ra nguyên nhân để có
những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, địa phương tiếp
tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương nhằm triển khai có
hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt trong các loại
hình doanh nghiệp. Giới thiệu và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên
tiến; tăng cường công tác giám sát việc sơ kết, tổng kết các văn bản của
Trung ương. Chú trọng công tác đối thoại nhân dân. Tiếp tục phát huy
vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai
thực hiện nhằm tạo bước chuyển biến ngày càng rõ rệt trong thực hiện
Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh
ủy đã ghi nhận và biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành,
địa phương, doàn thể chính trị, xã hội đã có nhiều nỗ lực trong triển
khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị thời gian qua.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, để tiếp
tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW, cần chú trọng quán triệt
tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đồng thời có các giải pháp
nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Trong đó, thường xuyên
tổ chức học tập, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, gắn thực hiện
dân chủ với việc thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03 về “Học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ
ở cơ sở gắn với xây dựng các cấp chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Công tác tuyên truyền, vận động cần đa dạng về hình thức và phương thức
truyền tải trong nhân dân; có giải pháp đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân
chủ trong các loại hình doanh nghiệp. Mặt trận các cấp và các tổ chức
đoàn thể cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai tổ chức thực
hiện, trong đó chú trọng thực hiện công tác phản biện xã hội nhằm nâng
cao đời sống dân chủ trong xã hội, góp phần nâng cao chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể và
19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số
30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nguồn: baoquangtri.vn/ Lê Minh, ngày 7/7/2015