Thứ Ba, 26/11/2024
Hiệu ứng từ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở Phú Văn
 
Cán bộ xã Phú Văn cùng Ban điều hành thôn Cây Da họp dân bàn phương án
kéo điện về thôn, tháng 2-2016 - Ảnh: Tuyết Ly 

NGHIÊM TÚC TRIỂN KHAI CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN QCDC

Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã đã ban hành Quyết định số 15-QĐ/ĐU ngày 10-11-2015 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC suốt cả nhiệm kỳ. Ban chỉ đạo đã xây dựng và ban hành các thông báo, hướng dẫn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là tuyên truyền, phổ biến QCDC đến cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ để tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng ủy xã đã ban hành Kế hoạch số 12 cụ thể hóa Kế hoạch số 14 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở; Thông tư số 01 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04 của Chính phủ về thực hiện QCDC trong mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo thống kê, có 140/153  đảng viên, hội viên các tổ chức, đoàn thể; trưởng, phó thôn, ấp tham dự, đạt 91,5%.

Ngoài triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên về QCDC, Đảng ủy xã còn lãnh đạo, chỉ đạo gắn việc thực hiện QCDC với triển khai các nghị quyết của Đảng trong công tác bầu cử, đại hội Đảng và các hội, đoàn thể. Đặc biệt là ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; các văn bản hướng dẫn về công tác xử lý tin báo tội phạm; tăng cường quản lý tình trạng bán điều bông, vay lãi suất cao, cầm cố đất... là những vấn đề rất phổ biến thường xảy ra trên địa bàn xã.

THỰC HIỆN TỐT PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Để thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ, Đảng ủy chỉ đạo Thường trực UBMTTQ xã cùng với Thường trực HĐND xã có biện pháp khơi gợi người dân thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và cải cách thủ tục hành chính. Căn cứ Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Thông tư số 28 hướng dẫn quy chế giám sát và phản biện xã hội của UBMTTQ xã và các đoàn thể, Ban Thường trực UBMTTQ xã đã thành lập 2 đoàn giám sát. Hai ban này đã giám sát việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức xã; giám sát người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); giám sát xây dựng nông thôn mới; giám sát công tác bầu cử; giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo...

Trong 6 tháng đầu năm 2016, bộ phận tiếp dân đã tiếp 23 lượt công dân đến khiếu nại và nhận 19 đơn, trong đó hòa giải thành 9 đơn, 6 đơn đang giải quyết và chuyển cấp trên 4 đơn. Hai đoàn giám sát cũng đã tổ chức giám sát thi công sửa chữa hội trường xã; giám sát thi công tuyến đường thôn 1 dài 400m, tuyến đường thôn 2 đi Đắk Son dài 4.020m, đường Thác Dài 850m... Ở những công trình này, người dân đồng tình cao với cách làm của xã.

CHĂM SÓC ĐỜI SỐNG NGƯỜI NGHÈO, ĐỒNG BÀO DTTS

Theo chuẩn nghèo đa chiều, hiện Phú Văn có 457 hộ nghèo và 42 hộ cận nghèo. Trong 7 thôn thì có 2 thôn đặc biệt khó khăn là Đắk Khâu và Đắk Son 2 đang hưởng Chương trình 135. Hiện đã có 5.169 thẻ bảo hiểm y tế được trao cho người nghèo và cận nghèo. Năm qua, MTTQ xã phối hợp với Đoàn kinh tế quốc phòng 778 đã tổ chức vui xuân cho đồng bào nghèo tại thôn Đắk Khâu với hơn 1.000 lượt người tham dự, tổng tiền hơn 60 triệu đồng; tặng 340 phần quà tết trị giá 119 triệu đồng. Vận động Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh) phối hợp Đoàn kinh tế quốc phòng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 100 lượt người nghèo và tặng mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng. Các đoàn thể trong xã đã vận động xây nhà tình thương cho 2 hộ nghèo khó khăn về nhà ở trị giá 85 triệu đồng...

Năm 2015, UBND xã phối hợp Trung tâm Thủy sản tỉnh thả 6.000 con giống cá lăng nha xuống lòng hồ thủy điện Thác Mơ và hỗ trợ cá giống cho 29 hộ trong tổ thủy sản nuôi cá lồng bè tại thôn 1. Nhờ có nguồn thu từ đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng bè, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Trước thực trạng vườn cà phê, điều của người dân già cỗi, giống không chọn lọc nên năng suất thấp, mấy năm trước xã kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình ghép chồi, “trẻ hóa” vườn cà phê già cỗi, cải tạo vườn điều cho một số hộ. Cà phê trồng mới ít nhất 3 năm cho trái bói nhưng với cách trẻ hóa vườn cây, chỉ 1 năm cây đã cho thu hoạch. Từ đây, nhiều hộ đồng bào DTTS đã áp dụng để tăng thu nhập cho gia đình.

HUY ĐỘNG SỨC DÂN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Do chưa được đầu tư kinh phí, nguồn xây dựng nông thôn mới, Phú Văn chủ yếu huy động từ sức dân. Từ năm 2013 đến nay, người dân thôn 1 đã đóng góp 280 triệu đồng đổ đá ở đoạn đường trơn trượt; làm mới 200m đường cấp phối sỏi đỏ; láng nhựa 940m đường từ thôn 1 qua thôn 2. Đây là tuyến đường Nhà nước và nhân dân cùng làm, vốn đầu tư 900 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 200 triệu đồng. Nhiều người tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp sức khơi thông mương, rãnh thoát nước để xây dựng con đường khang trang. Ở nhiều khu dân cư, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền, người dân chủ động đóng góp kinh phí kéo điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Hiện 200 hộ dân thôn Cây Da vẫn chưa có điện phục vụ sinh hoạt. Đây là vấn đề khó đối với Phú Văn. Đã nhiều năm, mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị nhưng do dân ở rải rác, mức đầu tư công trình quá lớn, lên tới hàng tỷ đồng nên dù đã khảo sát, ngành điện vẫn chưa thể đầu tư. Qua nhiều lần họp bàn, hiện người dân thôn Cây Da đã sẵn sàng đóng góp để kéo điện về thôn.

Với sự chủ động huy động sức dân, dù chưa được đầu tư kinh phí, năm 2015, Phú Văn đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Viễn, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, kết quả đó bắt nguồn từ việc thực hiện tốt QCDC.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 7/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất