Chủ Nhật, 29/12/2024
Phát huy dân chủ ở cơ sở

Tại hội nghị nói trên, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá kết quả công tác xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là đảm bảo thành công cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của công tác này. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động chưa thường xuyên, rõ nét. Hoạt động của một số Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn thiếu chủ động, hình thức, nên hiệu quả công tác thanh tra, giám sát chưa cao. Việc thực hiện công khai trong đền bù, giải phóng mặt bằng, công khai các chương trình, quy hoạch, dự án của một số địa phương, cơ sở còn hình thức, thiếu minh bạch, chưa đúng quy trình, quy định gây bức xúc trong nhân dân.

Đảng ta đã có nhiều chủ trương nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Bộ Chính trị (khoá VIII) đã có Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 “về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Chỉ thị này chỉ rõ cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Chính vì vậy Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở xã, phường, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính, v.v. phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở.

Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đồng thời xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng là cụ thể hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và để phương châm này thực sự đi vào cuộc sống.

Bộ Chính trị đã có Kết luật số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tại Kết luận này Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 120-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 27-4-2016 đặt ra các nhiệm vụ đối với các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí của tỉnh. Đây là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh xác định, triển khai những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 22/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi