Thứ Ba, 26/11/2024
Gia Lai: Nhiều doanh nghiệp không thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 

Quan tâm quyền lợi của người lao động cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển.
Ảnh. Đ.Y


Công ty TNHH Olam-Chi nhánh Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) chuyên sản xuất chế biến hạt điều, thu hút gần 900 công nhân tham gia làm việc tại đơn vị. Năm 2013, Chi nhánh đã thành lập tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên đến nay, Chi nhánh vẫn chưa tổ chức hội nghị người lao động hay đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Chị N.T.T.-công nhân Chi nhánh cho biết: “Khi xin vào làm công nhân, chúng tôi chỉ cần nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định của đơn vị. Khi Chi nhánh nhận vào làm, chúng tôi được tổ trưởng phổ biến những nội quy, quy định của Chi nhánh, tập trung vào những việc cấm, như: không được làm việc riêng trong giờ làm việc, chế độ vệ sinh máy móc, nhà xưởng trước, trong và sau giờ làm, tiền lương, thưởng. Công nhân cứ vậy mà thực hiện, bất luận những quy định ấy có phù hợp hay không”.

Tương tự, anh V.M.B., công nhân Nhà máy Chế biến gỗ Gia Khang (Khu Công nghiệp Trà Đa) chia sẻ: Khi thấy nhà máy đề bảng tuyển lao động phổ thông, tôi nộp đơn xin vào làm công nhân. Sau 3 năm làm việc ở đây, chúng tôi chưa thấy doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động hay có những buổi đối thoại với người lao động bao giờ.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Tâm-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 3.600 doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn mà Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý chỉ có 169 doanh nghiệp, trong số này mới có 115 doanh nghiệp có ký kết thỏa ước lao động tập thể. Hiện nay, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn và ký kết thỏa ước tập thể thực hiện tốt chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, một số doanh nghiệp tư nhân có thành lập tổ chức Công đoàn nhưng việc thực hiện QCDC ở cơ sở còn quá ít. Đơn cử, như TP. Pleiku có 84 doanh nghiệp đang hoạt động thì mới chỉ có  9 doanh nghiệp có tổ chức hội nghị người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Ông Nguyễn Văn Vinh-Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai), khẳng định: Dù bất cứ lý do nào thì việc doanh nghiệp không thực hiện đúng QCDC cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Tuy nhiên, trong thời buổi làm ăn khó khăn, vận động doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn hay đối thoại với người lao động là rất khó. Khi tiếp cận được với chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chúng tôi sẽ phân tích kỹ về sự cần thiết phải thực hiện QCDC ở cơ sở. Đây là giải pháp để hạn chế những vụ đình công hay tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh ở nơi làm việc và cũng là điều kiện giúp cho doanh nghiệp phát triển ổn định mà không phải lo sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị với tỉnh có những chế tài cần thiết để các doanh nghiệp thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc của các đơn vị.

Nguồn: baogialai.com.vn, ngày 4/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất