Thứ Tư, 27/11/2024
Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Chế độ dân chủ đại diện được phát huy; chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp ngày càngđược nâng cao; cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Dân chủ chủ trực tiếpp ở cơ sở được mở rộng, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được bảo vệ.

Đặc biệt, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước được thể chế hóa trong các lĩnh vực đời sống xã hội; công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng và đạt nhiều kết quả nên đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; mối quan hệ giữa đảng viên và quần chúng. Vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được hiệu quả, huy động nguồn lực xã hội thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh.

 
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh,
Trưởng BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết
thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2015; triển khai nhiệm vụ năm 2016. (ảnh Nguyễn Huế) 

Bên cạnh đó, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quảng Ninh đã tăng cường đối thoại, mở rộng dân chủ ở tất cả các cấp. Tỉnh thực hiện nghiêm quy chế chất vấn trong Đảng; mở rộng đối tượng chất vấn, đưa việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng vào sinh hoạt của các cấp ủy. Lãnh đạo cấp ủy các cấp tiến hành rà soát những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền lợi thiết thực của nhân dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp; duy trì nghiêm túc chế độ tiếp dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc, dứt điểm các sai phạm; minh bạch kết quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo và công khai kết quả làm việc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện rất tốt Luật tiếp công dân và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thành lập Ban tiếp công dân. Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Ban tiếp công dân gồm 7 người, ban hành quy chế tiếp công dân của tỉnh, đồng thời trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp công dân. Trong giai đoạn 2011-2015, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp 29.078 lượt công dân, với 18.248 vụ việc; có 1.007 lượt đoàn đông người, với 641 vụ việc công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tỉnh cũng tăng cường công tác thông tin hai chiều, chú trọng việc giám sát, phản biện và nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, tổ chức giao ban báo chí 1 tháng/lần; thông tin báo chí 1 tuần/lần; định kỳ hằng quý tổ chức giao ban Thường trực các đảng bộ trực thuộc tỉnh với bí thư chi bộ, cán bộ thôn, khu, bản. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cuộc điều tra, khảo sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, vai trò giám sát của nhân dân được phát huy, 186/186 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban thanh tra nhân dân (TTND) với 1.640 thành viên và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) với 1.508 thành viên. Hằng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vịđều tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định cho phù hợp với các văn bản quy định của pháp luật và tình hình thực tế của đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt các quy chế, quy định, đồng thời duy trì chế độ họp giao ban hằng tháng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và lắng nghe ý kiến đóng góp của CB,CC,VC. Các doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định như: quy chế dân chủ, quy chế trả lương, quy chế thi đua - khen thưởng, quy chế chi tiêu nội bộ, nội quy an toàn lao động, phòng chống cháy nổ… Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đều có sự tham gia ý kiến hoặc có kết quả thương lượng với tổ chức công đoàn công khai trong Đại hội cán bộ, công nhân, viên chức và gửi tới đơn vị để phổ biến tới người lao động. Đặc biệt, việc tổ chức hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đã giải quyết kịp thời những vướng mắc bất cập trong lãnh đạo, điều hành và những kiến nghị của người lao động.

Mặc dù vậy, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi chưa thực sự thường xuyên; có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức; ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân vẫn xảy ra, quyền làm chủ của nhân dân có nơi còn bị vi phạm, vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài, vượt cấp, tình trạng lợi dụng dân chủ làm mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ và gây mất an ninh, trật tự địa bàn. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều ở các khu vực, loại hình cơ sở; nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vôn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chưa xây dựng hoặc việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn mang tính hình thức. Chính vì thế, Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới phải thực hiện Quy chế dân chủ một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tât cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 16/5/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất