Ngày 07/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội nghị tổng
kết thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2015, đề ra phương hướng nhiệm
vụ năm 2016; ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch
HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh An
Giang chủ trì hội nghị.
Trong năm 2015, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể,
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai thực
hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện Quy
chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế dân
chủ ở các loại hình cơ sở gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của địa
phương, đơn vị tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động về Quy chế
dân chủ ở cơ sở được nâng cao. Các văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế dân
chủ ở cơ sở được điều chỉnh, bổ sung kịp thời và niêm yết công khai đối
với cán bộ, công chức và người lao động. Việc thực hiện Quy chế dân chủ
đã gắn với triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn với phương châm
"dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" góp phần củng cố niềm tin trong các
tầng lớp nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước.
Ở các xã, phường, thị trấn, công tác quản lý, điều hành được đổi
mới, đưa nội dung Quy chế dân chủ vào chỉ tiêu thi đua hàng năm. Nhiều
nội dung được công khai cho nhân dân như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông
thôn mới…
Đối với các cơ
quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, nổi bật là việc cải cách hành chính
tiếp tục được đẩy mạnh, công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu
nại tố cáo được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình doanh nghiệp được thể
hiện rõ nét thông qua các hội nghị người lao động, xây dựng quy chế đối
thoại… Các doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động hằng năm và
ký thỏa ước lao động tập thể, rà soát, bổ sung hợp đồng lao động giữa
giám đốc và người lao động; hầu hết doanh nghiệp đã xây dựng những quy
định, nội dung công nhân được biết, được bàn, công nhân tham gia giám
sát và quyết đinh. Vai trò của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp được
tăng cường…
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tiếp tục tuyên
truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực
tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,
cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng
các mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an
ninh - quốc phòng, tham gia thực hiện tốt công tác giảm nghèo, phát động
phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến
tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo
đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh, từ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ
sở, dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy
đảng có nhiều đổi mới; công tác quản lý, điều hành của các cấp chính
quyền theo hướng cụ thể, gần dân, vì lợi ích của nhân dân và người lao
động; các chính sách nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện
dân chủ công khai, minh bạch…
Tuy nhiên, vẫn
còn một số cấp ủy, chính quyền và đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về ý
nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ, chưa xác định
rõ quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với nhiều chương trình, dự
án nên một số công trình không bảo đảm chất lượng, gây thất thoát, lãng
phí. Ở một số nơi, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng nội quy,
quy chế làm việc, kế hoạch công tác còn hình thức, việc công khai hóa
các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của
công chức, viên chức, người lao động chưa kịp thời; Công tác lãnh đạo,
chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp, các ngành đôi
lúc chưa thường xuyên, liên tục và chưa được coi trọng đúng mức...
Phát
biểu kết luận hội nghị, ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh
ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên
triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị
quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, do vậy việc thực hiện Quy chế
dân chủ ở cơ sở cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các
văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện Quy
chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ
ở cơ sở gắn với thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW về thực hiện Quy
chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy
định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội
và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng
thời tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cuộc
bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ thục hành chính, nhằm thu thu hút
đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; giao trách nhiệm cụ thể cho
từng cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở;
nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát, gần dân,
sát dân; tiếp tục lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và
chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng; có hình thức khen thưởng những mô
hình, cách làm hay; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, quy
trình thực hành Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường nắm bắt tình hình
tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và vận động các tầng lớp nhân dân thực
hiện tốt quy chế, hương ước, quy ước; nâng cao vai trò của Ban thanh tra
nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong kiểm tra, giám sát ở cơ
sở.
Dịp này Ban chỉ đạo
thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh An Giang đã tra 43 bằng khen của
Chủ tịch UBND tỉnh cho 43 tập thể đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm
2015./.
Nguồn: angiang.gov.vn, ngày 7/4/2016