Thứ Tư, 27/11/2024
Đồng Nai: Gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với các phong trào thi đua
Ảnh minh họa.

Các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những việc nhân dân được biết; những việc nhân dân bàn và quyết định; những việc nhân dân thảo luận, tham gia ý kiến trước khi chính quyền quyết định, từ đó đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và việc huy động tinh thần đóng góp của nhân dân trong việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các ý kiến đề xuất chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân, các cấp Hội đã kịp thời phản ánh và đề xuất với cấp ủy, chính quyền nhiều ý kiến thiết thực như việc nhũng nhiễu gây phiền hà của một số cán bộ đối với nhân dân, việc xây dựng các công trình, đường giao thông nông thôn, vấn đề điện, nước, các chủ trương giải tỏa đền bù, chuyển đổi giống cây trồng, hỗ trợ cây con giống và tham gia thảo luận, biểu quyết những vấn đề quan trọng của Đảng, Nhà nước đề ra, qua đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trách nhiệm của Đảng, chính quyền được nâng lên.

Các cấp Hội luôn tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xây dựng nông thôn ngày càng giàu mạnh, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của huyện, tỉnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua của Hội như phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi giúp nhau giảm nghèo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào nông dân tham gia bảo vệ trật tự nông thôn, phòng, chống các tệ nạn xã hội và các loại tội phạm.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là một trong những chương trình trọng tâm của Hội; đến nay, toàn tỉnh có 140.024/139.000 hộ nông dân đăng ký thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (đạt 100,7% so với chỉ tiêu Trung ương giao). Qua phong trào này các cấp Hội đã vận động 8.046 lượt hộ có điều kiện kinh tế khá, giàu cho mượn 3 tỷ 513 triệu đồng tiền mặt không tính lãi, 8.920 ngày công lao động, 88.760 kg vật tư nông nghiệp, 22.732 kg lương thực, 15.972 kg hạt giống, 8.972 con giống và 45.122 cây giống các loại để giúp đỡ cho 3.716 lượt hộ nông dân gặp khó khăn; Phối hợp với các công ty phân bón, các doanh nghiệp trên địa bàn đưa 1.221 tấn phân bón hữu cơ và phân vi sinh về đầu tư cho nông dân theo phương thức trả chậm với tổng trị giá 4 tỷ 852 triệu đồng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” do tỉnh phát động; hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã có Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như: hiến đất và đóng góp hàng tỷ đồng, ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường điện hạ thế, phòng học, nhà văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 63/133 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Riêng huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã được Chính phủ công nhận là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Thống Nhất đang làm hồ sơ đề nghị Chính phủ xét công nhận là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Về việc thực hiện quy chế dân chủ còn được gắn với công tác giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống Hội Nông dân các cấp tỉnh Đồng Nai; Hội đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện chương trình phối hợp; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp giám sát việc thi hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thường xuyên vận động cán bộ, hội viên, nông dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền bằng nhiều hình thức như góp ý các văn bản dự thảo do cấp ủy, chính quyền gửi đến cơ quan Hội Nông dân; tham gia đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy địa phương với tổ chức Hội Nông dân hoặc hội viên, nông dân; tham gia với cơ quan của cấp ủy địa phương lấy ý kiến nhận xét của hội viên, nông dân nơi cư trú (thôn, xóm, tổ dân phố) đối với cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia vào quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế ở nông thôn như tham gia hiến đất, công sức, tiền của, tham gia thực hiện và giám sát.

Nguồn: hoinongdan.org.vn, ngày 17/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất