Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở các xã, phường, các cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa
bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức về quyền
làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia quản lý Nhà
nước, giám sát hoạt động của chính quyền, nhân lên niềm tin, tạo sự đồng
thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần thực
hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở
là nhiệm vụ quan trọng, bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa
bàn TP Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp nhằm phát huy quyền
làm chủ của nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực hiện tốt việc
tiếp xúc, đối thoại định kỳ với nhân dân. Dân chủ trong việc đề ra chủ
trương, chính sách và công tác nhân sự. Tình hình đơn, thư khiếu nại, tố
cáo của công dân cơ bản được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Qua
đó, góp phần phát huy, động viên các nguồn lực của nhân dân trong việc
tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo,
xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo
đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật
tự an toàn xã hội, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo
sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân. Điển hình như phong
trào thi đua chung sức XDNTM, hầu hết các xã đều có những cách làm mới,
sáng tạo, phát huy tốt nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh
tế. Trong đó, đã có hàng trăm hộ dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, tài
sản trên đất trị giá hàng chục tỷ đồng; hiến hàng trăm ngày công để bê
tông hóa đường giao thông... Nhiều địa phương có nguồn thu từ đóng góp
của dân lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, nhưng được quản
lý, sử dụng đúng mục đích, không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện. Đến nay,
bình quân chung các xã trên địa bàn thành phố đạt 16 tiêu chí NTM/xã.
Cùng với đẩy mạnh thực hiện QCDC ở xã, phường, TP Thanh Hóa cũng quan
tâm đẩy mạnh thực hiện QCDC trong các cơ quan Nhà nước. Đến nay, dân chủ
trong các cơ quan Nhà nước được duy trì, ngày càng nâng cao về chất
lượng. Hầu hết thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều có chương trình phối
hợp với công đoàn, các tổ chức đoàn thể tổ chức tốt các hội nghị cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động, nhằm phát huy quyền dân chủ trong
việc tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, đơn vị trong sạch, vững
mạnh. Đáng chú ý, nội dung, hình thức thực hiện QCDC ngày càng đi vào
thực chất. Những việc công khai, những việc cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động tham gia ý kiến trước khi thủ trưởng cơ quan, đơn
vị quyết định; những việc người lao động thảo luận quyết định, giám sát,
kiểm tra... cơ bản được thực hiện đúng quy định. Hầu hết các cơ quan,
đơn vị đã chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động, quy chế
chi tiêu nội bộ, quy định cụ thể hóa từng nội dung, lĩnh vực công việc,
gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban thanh tra
nhân dân; đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế,
quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đáng chú ý,
các cơ quan, đơn vị đều coi trọng việc tuyên truyền, vận động cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động sống, làm việc theo hiến pháp và
pháp luật; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; thực hiện tốt các chỉ thị
của Ban Thường vụ Thành ủy, cam kết không để xảy ra tình trạng cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động có các vi phạm về kinh tế, các tệ
nạn xã hội.
Với phương châm đẩy mạnh thực hiện QCDC theo hướng thiết thực, hiệu quả,
nhiều doanh nghiệp, công ty cũng quan tâm thực hiện 3 nội dung dân chủ
trong doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp coi trọng việc lắng nghe, giải
quyết những nguyện vọng chính đáng của người lao động; công đoàn cơ sở
đã phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho
người lao động. Trong năm 2015 đã có 61/82 doanh nghiệp tổ chức hội nghị
người lao động, 75 buổi đối thoại trực tiếp giữa chủ doanh nghiệp và
đại diện tập thể người lao động. Bên cạnh đó, đã tổ chức 52 buổi tuyên
truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về Bộ luật Lao động, Luật Công
đoàn... Phát huy hiệu quả QCDC là tiền đề để các doanh nghiệp tập hợp
được sức mạnh của người lao động, cùng nhau khắc phục khó khăn, ổn định
và phát triển.
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả QCDC cơ sở, theo đồng chí Nguyễn Như
Huệ, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở và thực hiện
QCDC TP Thanh Hóa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong năm
2016 đó là tập trung củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng,
phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong xây dựng và thực hiện QCDC
ở cơ sở; tăng cường nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng
của quần chúng, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt quy
chế, hương ước, quy ước; phát huy nội lực trong nhân dân để phát triển
kinh tế, chỉnh trang đô thị, XDNTM; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt
động, đề cao trách nhiệm ban chỉ đạo xây dựng cơ sở và thực hiện QCDC ở
cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Nguồn: baothanhhoa.vn, ngày 24/2/2016