Thứ Tư, 27/11/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở Lập Thạch

Chương trình xây dựng NTM được Huyện ủy, UBND huyện Lập Thạch xác định là một chương trình lớn, cần nhiều kinh phí đầu tư cho các công trình. Trong khi đó, Lập Thạch lại là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, để mỗi người dân tự giác, tích cực đóng góp xây dựng các tiêu chí NTM, một trong những chủ trương của huyện đó là thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân. Bởi chính người dân nông thôn vừa là chủ thể, vừa là những người trực tiếp hưởng lợi từ thành quả của công cuộc xây dựng NTM đem lại.

Để phát huy tác dụng QCDC, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của huyện tích cực, chủ động tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, các phòng, ban và tổ chức đoàn thể các cấp tập trung quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện về thực hiện QCDC cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy - cơ quan thường trực BCĐ giúp đỡ, hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động; đồng thời, phối hợp với các cơ quan khối tuyên truyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện QCDC trong xây dựng NTM ở các cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của việc thực hiện QCDC đối với sự phát triển của địa phương, nhất là việc huy động công sức, hiến đất thực hiện các tiêu chí còn khó khăn, cần phải đầu tư lớn như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường....

Đối với 18 xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện có nền nếp, hiệu quả QCDC ở cơ sở. Nhiều nội dung cần được người dân tham gia giám sát, bàn bạc, cho ý kiến được UBND các xã niêm yết công khai tại trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, thông tin trên hệ thống truyền thanh, nhất là các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM như kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi....Nhiều công trình phúc lợi được chính quyền địa phương giao cho các khu dân cư trực tiếp tổ chức thi công; các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của các thôn cũng đã phát huy được vai trò trong việc giám sát, mang lại hiệu quả cao, tránh thất thoát nguyên vật liệu và đảm bảo chất lượng công trình.

Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của huyện, Ban Dân vận Huyện ủy tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình "Dân vận khéo" nhằm phát huy quyền làm chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng NTM, đồng thời, chỉ đạo mỗi thôn, mỗi tổ chức đoàn thể phải xây dựng được từ 1-2 mô hình "Dân vận khéo". Đến nay, toàn huyện xây dựng được hàng trăm mô hình "Dân vận khéo". Riêng khối dân vận chọn tiêu chí về giao thông nông thôn làm khâu đột phá về việc huy động sức dân trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Vì vậy, những năm qua, hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động và được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của và vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Trong 5 năm qua, toàn huyện huy động gần 2.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó, hơn 1.800 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Người dân đóng góp hàng chục ngàn ngày công, vận động nhân dân hiến trên 200.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, góp phần cứng hóa được 91,29 km đường trục xã, liên xã; 116,45 km đường trục thôn, liên thôn; 92,87 km đường ngõ xóm và 69 km đường trục chính nội đồng. Theo cơ chế hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn của tỉnh thì mỗi km cứng hóa mặt đường giao thông nội đồng được hỗ trợ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo và phát huy được quyền làm chủ của người dân, nhiều địa phương trên địa bàn huyện chủ động giao cho các khu dân cư trực tiếp tham gia thi công đường giao thông nội đồng. Vì vậy, với 1 tỷ đồng các khu dân cư của Lập Thạch có thể làm được 1,2 - 1,3 km đường giao thông nội đồng, đồng thời, huy động được nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM nên mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân của 2 xã Quang Sơn và Bàn Giản đã tích cực tham gia, đưa địa phương về đích sớm hơn 1 năm so với dự kiến. Nhiều hộ dân ở các địa phương đã tự nguyện hiến đất ở, đất vườn, tháo rỡ nhà và các công trình khác để phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", năm 2016, huyện Lập Thạch phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành huyện NTM vào năm 2017.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn, ngày 25/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất