Thứ Hai, 30/12/2024
Phú Thọ: Tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở
 
Giao thông nông thôn ở Yên Lập đã được bê tông hóa, nhờ có sự đồng thuận tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân. 

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn từng bước có chuyển biến tích cực, các địa phương có nhiều biện pháp, hình thức chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy đảng đã đổi mới phương thức lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, nhiều nghị quyết của cấp ủy được đưa ra lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thực hiện thông báo các chương trình, dự án, tiến độ thực hiện và lấy ý kiến của người dân về phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư đã giúp chính quyền, ngành chức năng hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn nhỏ của tỉnh. Các chương trình, chính sách về vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện... được chính quyền thông báo kịp thời, đầy đủ đã giúp người dân tiếp cận, ủng hộ, thực hiện hiệu quả. Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đã huy động được khoảng 5.800 tỷ đồng đầu tư cho chương trình; trong đó nhân dân đóng góp ước đạt 756 tỷ đồng.

Sau khi Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, sửa đổi quy chế làm việc, hoạt động, chi tiêu nội bộ, khen thưởng, quy chế về tiếp dân, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tổ chức công đoàn. Đã có 1.120/1.156 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức. Nhiều nội dung công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết, tham gia ý kiến và giám sát được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện; đồng thời nghiêm túc thực hiện việc niêm yết công khai để công dân, tổ chức biết các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính. Đến nay, toàn tỉnh có 1.781 thủ tục hành chính được công khai đầy đủ, đúng quy định trên Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh. Mô hình "một cửa", "một cửa liên thông", "một cửa hiện đại" tiếp tục được cải thiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước với người dân theo hướng phục vụ.

Các đơn vị lực lượng vũ trang đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về thực hiện dân chủ; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư theo đúng quy định; tích cực tham gia phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Lực lượng công an tiếp tục thực hiện tốt các nội dung dân chủ trong nội bộ và trong các lĩnh vực công tác liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực hiện hiệu quả phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh và tố giác tội phạm vào một đầu mối, hạn chế tái khiếu, tái tố. Định kỳ lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân để đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, chiến sĩ.

Việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm quán triệt, tuyên truyền, triển khai, thực hiện và được duy trì khá tốt ở các doanh nghiệp có tổ chức đảng, công đoàn, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu của nhà nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 284 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó có 64 đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở. Các nội dung về nội quy lao động, quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, thi đua, khen thưởng, kỷ luật; quy chế trả lương, trả thưởng, phân phối cổ tức; quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, thoả ước lao động tập thể, điều lệ hoạt động của doanh nghiệp; chương trình, dự án về hỗ trợ vốn vay đối với công nhân, lao động nghèo được thông báo thường xuyên để người lao động biết, tham gia ý kiến. Năm 2015 đã có 128/284 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; có 197/284 đơn vị, doanh nghiệp đã thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, 57 cuộc đối thoại đột xuất, chủ yếu là thương lượng, sửa đổi, bổ sung, ký kết thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

 Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng đơn vị còn coi nhẹ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là các văn bản mới như Nghị định 60/2013/NĐ-CP, Nghị định 04/2015/NĐ-CP tuy được triển khai nhưng còn mang tính hình thức. Các nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có nơi chưa làm tốt quy trình công khai, dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất các dự án. Vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới chưa thực sự được phát huy. Việc thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều chủ doanh nghiệp không phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để triển khai thực hiện...

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo thực hiện dân chủ các cấp cần tăng cường công tác quán triệt, phổ biến các văn bản của tỉnh, Trung ương về xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng đơn giản, phù hợp với từng đối tượng và loại hình; nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện và giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện dân chủ; chủ động phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, đối thoại với cán bộ công chức, viên chức. Tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước với chủ doanh nghiệp; đồng thời vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ; tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.

Nguồn: baophutho.vn, ngày 25/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi