Thứ Hai, 30/12/2024
Hà Nam: Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Hà Nam đã cơ bản hoàn thành - Ảnh: Minh Châu

Thực hiện dân chủ công khai trong tổ chức cho nhân dân tham gia lập, thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất, để dân bàn và quyết định trực tiếp mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh… 

Thời gian qua, người dân Hà Nam đã hiến trên 152 nghìn m2 đất, hàng trăm nghìn m2 cát, đá, chặt hàng chục nghìn cây ăn quả các loại, phá dỡ dịch tường rào, các công trình phụ trợ để làm đường cùng trên 975 nghìn ngày công đóng góp để xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2011- 2015 đã hoàn thành, nhiều nội dung đạt kết quả cao như: Cơ bản hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất; toàn tỉnh có 4.552 mô hình chăn nuôi lợn bằng công nghệ đệm lót sinh học, 997 mô hình trồng nấm, gần 2.000 con bò sữa, quy hoạch 17 vùng nông nghiệp chất lượng cao; cơ bản hoàn thành đường giao thông nông thôn với 1.803 km, 880 km đường trục chính ra đồng; xây dựng 283 nhà văn hóa thôn xóm. Đến hết năm 2015, Hà Nam có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 12 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn 3%.

Đồng chí Trần Đức Thuần - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam đánh giá: Chính những việc làm, những hành động cụ thể, thiết thực này đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, làm diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc, là tiền đề để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Để có được điều đó, việc nghiêm túc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân chính là yếu tố cốt lõi. Thực tế ở Hà Nam cho thấy, nơi nào cấp uỷ đảng, chính quyền nhận thức được sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy chế dân chủ thì ở đó, việc thực hiện có nề nếp, tạo sự đồng thuận cao, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nhìn nhận về những hạn chế khi thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới như: Một số nơi còn thiếu công khai trong kế hoạch sử dụng đất, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đền bù, giải phóng mặt bằng; việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới còn chưa tương xứng với tiềm năng dẫn đến một số tiêu chí đạt được còn thấp; bên cạnh đó, có địa phương huy động đóng góp còn quá với sức dân; hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn…, đồng chí Trần Đức Thuần cho biết: Thời gian tới, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ sở trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ sẽ được tăng cường.

Công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng được đẩy mạnh cùng với việc tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân; thực hiện tốt dân chủ, công khai trong triển khai đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, trong tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất để phát triển làng nghề, trang trại; xây dựng hạ tầng, văn hoá, giáo dục, y tế, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường...

Thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai trong quản lý tài chính, ngân sách, các loại quỹ của địa phương, riêng đóng góp của nhân dân phải được bàn bạc nhất trí tại hội nghị của thôn, xóm, cơ sở kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu chi tài chính./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 31/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi