Thứ Tư, 27/11/2024
Khi quy chế dân chủ đi vào đời sống
Người dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng đường giao thông ở tổ dân phố An Gia

Từ bê tông những tuyến đường giao thông

Trước thực tế, các tuyến đường giao thông trong các tổ dân phố bị xuống cấp, mặt đường bê tông còn hẹp so với quy hoạch, 55 tuyến đường chưa được bê tông hóa, Đảng ủy thị trấn Sịa đã ban hành Nghị quyết về xây dựng hệ thống giao thông trong các tổ dân phố trên địa bàn đến năm 2020. Theo đó, thị trấn sẽ huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến đường trong tổ dân phố theo tiêu chuẩn, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị trên địa bàn.

Ông Lê Văn Lật, quyền Bí thư Đảng ủy thị trấn Sịa cho hay: Việc huy động Nhân dân đóng góp làm đường giao thông rất khó khăn, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, các khoản đóng góp… Vì thế, Đảng ủy chủ trương để người dân tự đứng ra làm chủ. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thị trấn đã phát huy sức mạnh tổng lực của Nhân dân trong thực hiện bê tông hóa các tuyến đường giao thông, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường, không đòi hỏi tiền đền bù.

Thăm HTX số 2 thị trấn Sịa, con đường đất dẫn vào HTX ngày nào giờ đã được nâng cấp, bê tông hóa. Những gia đình sống dọc trục đường cũng bắt tay xây dựng mới hệ thống tường rào, cổng nhà khiến khu vực này trở nên khang trang, sạch đẹp. Ông Lê Văn Tân, Chủ tịch HĐQT HTX số 2 thị trấn Sịa vui mừng: Đây là kết quả từ việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn Nhân dân đóng góp ngày công, cát, đá...

Ông Lương Ngọc Mạnh, Tổ trưởng tổ dân phố An Gia tiếp lời: Chưa có lúc nào việc vận động Nhân dân đóng góp lại thuận lợi như mấy năm trở lại đây. Có được điều đó là nhờ người dân đã ý thức được quyền, nghĩa vụ của mình khi trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định tất cả những vấn đề liên quan. Ví như chuyện làm đường, người dân đứng ra tổ chức họp bàn về kinh phí xây dựng, đóng góp thế nào, cử ra ban giám sát chất lượng công trình, việc thu chi... Trong quá trình xây dựng, các khoản thu chi đều công khai cho người dân biết, từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Tuy đời sống của người dân nơi đây chưa cao, nhưng khi họp bàn thống nhất phương án đóng góp kinh phí từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/hộ để làm đường, các hộ đều ủng hộ. Nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất, phá dỡ công trình xây dựng, chặt bỏ cây cối… để tuyến đường được mở rộng theo đúng quy hoạch.

Phát huy dân chủ

Không chỉ trong xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, Đảng bộ thị trấn Sịa đẩy mạnh phát huy dân chủ trong mọi hoạt động. Bằng nhiều hình thức, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện QCDC trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Ông Hồ Bình, người dân tổ dân phố An Gia chia sẻ: “Khi Đảng ủy thị trấn có thông báo họp dân, chúng tôi đều tham gia rất đông đủ. Bởi chúng tôi ý thức được tham gia góp ý cho những chủ trương, chính sách là quyền lợi thiết thực của chính bản thân mình. Trong quá trình tham gia họp bàn, thảo luận, chúng tôi biết được từng chủ trương, đường lối cụ thể, từ đó góp sức cùng với địa phương cụ thể hóa những chủ trương ấy”

 Mới đây, vấn đề quy hoạch thị trấn Sịa đến năm 2020 thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân. Để đảm bảo tính dân chủ, thị trấn công bố quy hoạch tại trụ sở các cơ quan, nhà văn hóa để người dân tham gia ý kiến, nhờ vậy đã tạo nên sự đồng thuận cao. Nhiều cán bộ đảng viên lớn tuổi còn bày tỏ nguyện vọng mong địa phương thực hiện theo đúng quy hoạch nhằm đưa thị trấn Sịa trở thành trung tâm kinh tế, chính trị năng động của huyện.

Ông Lê Văn Lật cho biết: Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thị trấn đẩy mạnh công tác dân vận và cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm việc với chính quyền. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được niêm yết công khai để Nhân dân biết và thực hiện. Ngoài ra, người dân còn được trực tiếp tham gia bàn thảo và quyết định các công việc như: làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa, điểm trường…; giám sát việc thực hiện và thi công xây dựng hạ tầng. Nhờ vậy trong mọi hoạt động vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy.

Nguồn: baothuathienhue.vn, ngày 3/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất