Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng
quán triệt, triển khai cho cán bộ, chiến sĩ các chỉ thị, nghị quyết của
cấp trên về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) trong đơn vị, nhất là Chỉ
thị số 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Chỉ
thị số 97 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ
sở trong quân đội.
Thẳng thắn nhìn lại việc thực hiện QCDC ở
cơ sở trong các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh thấy rằng, nhận thức của
cán bộ, chiến sĩ (CB,CS), công nhân viên chức quốc phòng hiện nay có
biểu hiện rất đa dạng, với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Rõ nhất
là, một bộ phận không nhỏ quân nhân, ngay cả cán bộ, đảng viên (CB,ĐV)
chưa nhận thức đúng vai trò, nội dung, cách thức thực hiện QCDC ở cơ sở;
cho rằng thực hiện QCDC ở cơ sở là công việc của Hội đồng quân nhân,
hoặc nhầm lẫn giữa thực hiện quy chế đối thoại dân chủ với “Ngày chính
trị và văn hóa tinh thần”... Điều đáng quan ngại nữa là có CB,ĐV tự cho
mình là đã có nhận thức đúng hoặc duy ý chí, làm sai nguyên tắc, vi phạm
QCDC dẫn đến những vi phạm trong quản lý bộ đội, làm hạn chế việc phát
huy dân chủ, nhưng lại không nhận ra. Bên cạnh đó, kiến thức, sự hiểu
biết về pháp luật và sự trải nghiệm trong đời sống xã hội của một số
CB,CS chưa nhiều, nên việc thực hành dân chủ hiệu quả chưa cao; một số
ít hiểu dân chủ một cách đơn thuần, chủ yếu là đòi hỏi về quyền lợi mà
chưa thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình…
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này,
Đại tá Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết:
Một vài năm trước, Ban CHQS huyện Đồng Hỷ là một đơn vị thường xuyên có
quân nhân vi phạm kỷ luật; nguyên nhân một phần cũng do thực hiện QCDC
chưa nghiêm. Nhìn nhận ra vấn đề này, từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã lựa
chọn giải pháp tăng cường việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ,
chiến sĩ phải duy trì thường xuyên và là điều kiện để thực hiện tốt
QCDC; cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên
truyền giáo dục tại đơn vị, vì vậy số vụ vi phạm kỷ luật của CB, CS đã
không còn, đơn vị luôn trong tốp đầu phong trào thi đua của LLVT tỉnh.
Thực tiễn cho thấy, ở đơn vị nào hệ
thống quy chế dân chủ đồng bộ, rõ ràng, được quán triệt và thực hiện
nghiêm túc thì ở đó, quyền làm chủ của mọi CB, CS trên các lĩnh vực hoạt
động được phát huy, nội bộ đoàn kết, nhiệm vụ được thực hiện trôi chảy;
khắc phục được tình trạng vi phạm nguyên tắc, buông lỏng lãnh đạo, hoặc
dựa dẫm, ỷ lại, bao biện, làm thay, đặc biệt là những biểu hiện “cảm
hứng” trong quyết định các vấn đề “nhạy cảm”, dễ gây mâu thuẫn nội bộ,
như: Tài chính, cán bộ, xây dựng cơ bản... Do đó, các cơ quan, đơn vị đã
thường xuyên rà soát, bổ sung đầy đủ các loại quy chế trên các mặt công
tác trọng tâm theo quy định, như: quy chế lãnh đạo của cấp ủy, quy chế
làm việc của người chỉ huy và các quy chế công tác tài chính, cán bộ,
chính sách; thực hiện đầy đủ chế độ thông báo, báo cáo, cung cấp thông
tin nội bộ, thi đua, khen thưởng, kỷ luật,...
Các quy chế này là những văn bản có tính
pháp lý được xây dựng trên cơ sở đóng góp ý kiến dân chủ của đảng viên,
cán bộ, chiến sĩ trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị; phù hợp với đặc
điểm, tính chất hoạt động của mỗi loại hình đơn vị, bảo đảm vừa dễ thực
hiện, vừa phát huy cao nhất quyền làm chủ của CB, CS ở cả hình thức dân
chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi về
vấn đề này, Thượng tá Dương Ngọc Khánh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện
Đại Từ cho biết: Trước hết là thực hiện nghiêm QCDC trong cấp ủy, chỉ
huy; giữa Chính trị viên với Chỉ huy trưởng và Phó Chỉ huy trưởng đơn
vị. Nếu làm tốt vấn đề này thì tinh thần đoàn kết, gắn bó trong công tác
sẽ được nâng lên và ngược lại nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì
việc lãnh đạo, chỉ huy sẽ bị cấp dưới xem nhẹ dẫn đến không hoàn thành
nhiệm vụ hoặc có hoàn thành cũng không cao.
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo,
tuyên truyền, giáo dục của cấp ủy, chỉ huy các cấp vệ thực hiện QCDC thì
việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Quân nhân là nội dung
không thể thiếu. Đây là thiết chế cơ bản, đảm bảo dân chủ rộng rãi và
đầy đủ nhất cho mọi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; phù hợp
với tính chất, đặc điểm, tổ chức và hoạt động ở cơ sở trong Quân đội cả
về: quân sự, chính trị, kinh tế và đời sống. Thông qua hoạt động của Hội
đồng Quân nhân, mọi CB, CS được thể hiện trực tiếp quyền lợi của mình
trước những vấn đề do thực tiễn đặt ra; đồng thời, đề xuất những nội
dung, biện pháp để thực hiện quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực, mọi mặt
hoạt động của đơn vị.
Nguồn: baothainguyen.vn, ngày 23/11/2015