Đó là đánh giá được đưa ra tại buổi tổng kết công tác thanh tra
nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 – 2015, do Ban Thường trực
Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai tổ chức sáng 30/10.
Toàn tỉnh hiện có 125 ban thanh tra nhân dân kiêm ban giám sát đầu tư
cộng đồng và 39 ban giám sát đầu tư cộng đồng độc lập, với tổng số
1.403 thành viên.
Giai đoạn 2012 - 2015, các ban thanh tra nhân dân tiếp tục triển khai
thực hiện nhiệm vụ giám sát 11 việc theo quy định và đã phối hợp với
HĐND, các ngành chức năng thực hiện 1.741 cuộc giám sát; thực hiện 357
vụ xác minh do chủ tịch UBND giao; tiếp nhận 1.575 ý kiến, kiến nghị,
phản ánh của nhân dân trên các lĩnh vực, gửi 1.501 văn bản kiến nghị và
đã được xem xét giải quyết 1.405 văn bản (đạt 93,60%).
Trong đó, giám sát thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội về việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được gắn
với chương trình xây dựng nông thôn mới, như việc thực hiện các chính
sách an sinh xã hội; công tác xoá đói, giảm nghèo; đền ơn, đáp nghĩa;
thu, chi các loại quỹ nhân dân đóng góp; việc thực hiện chính sách đối
với người có công; việc quản lý đất đai, trật tự đô thị, các công trình
xây dựng hạ tầng nông thôn; đồng thời, giám sát việc tổ chức bỏ phiếu
tín nhiệm các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường,
thị trấn; các ban thanh tra nhân dân khi được chủ tịch UBND xã, phường,
thị trấn giao xác minh vụ việc đã thực hiện việc tốt việc thu thập tài
liệu, chứng cứ, thông tin có liên quan từ nhiều phía, tổng hợp, phân
tích, đánh giá một cách khách quan, chính xác, đúng quy định nên đã có
những kiến nghị phù hợp, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, thu hồi
được tài sản thất thoát, có biện pháp xử lý người, tổ chức vi phạm,
giải tỏa được tâm lý cho người bị oan sai, bị nghi ngờ, góp phần củng cố
tình đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, các ban giám sát đầu tư cộng đồng cơ bản đã xây dựng
được chương trình, kế hoạch hoạt động và thực hiện giám sát về hồ sơ
pháp lý của dự án, việc công khai thông tin dự án, sự phù
hợp quy hoạch; giám sát việc chấp hành của chủ đầu tư, nhà thầu
về chỉ giới xây dựng công trình, việc xử lý chất thải và
bảo vệ môi trường, kế hoạch và tiến độ dự án, giải phóng
mặt bằng và tái định cư. Tập trung vào giám sát các công trình xây
dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước và đóng góp của
cộng đồng, như trường học; trạm y tế; nhà văn hóa thôn, bản; cầu, cống,
công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn; chỉnh trang đô thị, lát
hành lang, vỉa hè; xây dựng khu tái định cư...
Nhìn chung, công tác thanh tra nhân dân đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm
vụ theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ
sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; tăng cường khối đại đoàn
kết toàn dân tộc từ cơ sở, tạo điều kiện cho công tác giám sát của mặt
trận được sâu sát hơn, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn tham ô,
tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực; hạn chế đơn thư khiếu
nại vượt cấp… Tuy nhiên, hoạt động ban thanh tra nhân dân chưa chủ động
phát hiện được các hành vi vi phạm về khiếu nại, tố cáo của chính quyền
cơ sở và công dân; nhiều ban thanh tra nhân dân chưa mạnh dạn trong giám
sát, còn e dè, nể nang, né tránh nên nhiều vụ việc được chính quyền cơ
sở giải quyết chưa khách quan, đúng pháp luật, dẫn đến vụ việc kéo dài,
vượt cấp…
Trong thời gian tới, sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, ban
thường trực ủy ban MTTQ đối với tổ chức và hoạt động ban thanh tra nhân
dân xã, phường, thị trấn; nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của
các thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng
đồng, chủ động tham mưu cho MTTQ ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ giám sát và
công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, động viên nhân dân tích cực
tham gia hoạt động giám sát mang tính nhân dân theo quy định của Luật
MTTQ Việt Nam…
Nguồn: baolaocai.vn, ngày 30/10/2015