Thứ Hai, 30/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị

Chính nhờ công tác tuyên truyền, vận động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhiều địa phương đã làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Ngoài các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai tại tỉnh Quảng Trị, vốn trực tiếp của Chương trình MTQG về xây dựng NTM, vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp, các HTX... thì UBND các cấp tùy theo từng nội dung, dự án, công trình vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc, tự nguyện đóng góp.

Các cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương triển khai sâu rộng và được sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã cụ thể hóa chương trình hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. MTTQ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM, vận động nhân dân hiến đất, hiến công làm đường giao thông. Hội Cựu chiến binh vận động hội viên phát huy truyền thống, tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đoàn Thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện ở những vùng khó khăn và chung tay thắp sáng đường quê.

Qua công tác giám sát thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng NTM cho thấy, UBND các huyện đã triển khai các văn bản, các quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND các cấp sâu sát về tận cơ sở, quán triệt các xã trên địa bàn tuân thủ, đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn”, việc bầu chọn người tham gia vào Ban chỉ đạo ở cấp xã, Ban phát triển thôn được thực hiện thông qua hội nghị nhân dân trong thôn và được UBND xã phê chuẩn theo quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến được chú trọng ngay từ khi lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM nên đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia ý kiến đóng góp của nhân dân. Công tác quy hoạch NTM, xây dựng đề án phát triển NTM, lựa chọn các công trình và hình thức tổ chức xây dựng đều được các xã tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư từ thôn, xóm, các công trình, dự án do huyện, tỉnh quản lý có liên quan đến xây dựng NTM đều được chủ đầu tư thông báo đến UBND, UBMT và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn trước khi triển khai thực hiện. Các chính sách về huy động nguồn lực như xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, khu thể thao, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, theo quy định của Chính phủ, của HĐND tỉnh đều được thông báo cho nhân dân và các khu dân cư. Việc đánh giá các tiêu chí được cộng đồng thông qua theo quy định, việc công nhận chuẩn văn hóa nông thôn mới và các lĩnh vực đều được nhân dân bàn bạc trước khi đề xuất, nhờ vậy đã có 4 xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh), Triệu Thành (huyện Triệu Phong) đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Qua giám sát cho thấy, Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương thực hiện nghiêm túc, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình qua nhiều hình thức, được tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, những thắc mắc, khiếu nại cơ bản đều được giải quyết kịp thời ở cơ sở nên không có đơn thư khiếu nại vượt cấp, tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng nhân dân được phát huy. Từ đó việc huy động nguồn lực trong nhân dân được thuận lợi, việc triển khai các công trình xây dựng, chỉnh trang nông thôn không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Để tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ trọng xây dựng NTM có hiệu quả, cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là huy động sức dân trong xây dựng NTM. Chủ động thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực, đa dạng các hình thức huy động như hiến công, hiến đất, huy động từ con em xa quê, các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức tài trợ, các doanh nghiệp, HTX.

Tổ chức rà soát lại quy hoạch, đề án xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó chú trọng đến công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.

Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng NTM, tăng cường vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát các công trình, hạng mục trong xây dựng NTM, chú trọng công tác lấy ý kiến của người dân đối với tất cả các công trình tại địa phương, nâng cao năng lực của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tăng cường công tác giám sát việc thu, chi, quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tăng cường triển khai Quy chế dân chủ trong xây dựng NTM theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; đưa nội dung thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo phát sinh trong nhân dân; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các xã thực hiện, đôn đốc cơ sở thôn, bản kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đưa ra định hướng cho cơ sở hoạt động.

Ban hành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gắn với xây dựng NTM theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi hợp tác xã, thành lập các tổ hợp tác, phát triển các trang trại, gia trại trong nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề trong nông nghiệp nông thôn.

Lồng ghép các chương trình, dự án cho các xã xây dựng NTM, trong đó chú trọng đầu tư “hai đầu” cho các xã gần về đích và các xã khó khăn.

Xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, chính trị ở các địa phương, vì vậy nhu cầu vốn rất lớn, việc huy động các nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, của nhân dân và cộng đồng vào xây dựng NTM chưa nhiều, nhất là các tỉnh khó khăn, chịu nhiều tác động của thời tiết khí hậu, thiên tai. Vì vậy, nhà nước cần quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho các tỉnh này để cùng cả nước sớm hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Cần sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn. Có chính sách đủ mạnh, đủ khả năng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đào tạo nhân lực, khuyến khích việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn.

Cần xem xét sửa đổi một số tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế ở từng vùng, miền như tiêu chí chợ nông thôn, tùy theo tình hình thực tế của địa phương để bố trí hợp lý. Tiêu chí hộ nghèo cũng cần được xem xét điều chỉnh, thực tế những hộ nghèo “cứng” ở nông thôn là những hộ gia đình già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, hoặc hộ gia đình chính sách không có người thân hỗ trợ.

Phát huy kết quả, cùng chung tay thực hiện các nội dung, nhất định công cuộc xây dựng NTM đạt kết quả tốt đẹp như mục tiêu đã đề ra.

Nguồn: baoquangtri.vn, ngày 7/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi