Thứ Hai, 30/12/2024
Bắc Ninh: Chuyển biến sau 16 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Áp dụng cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” góp phần thực hiện QCDC ở cơ sở.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC của cấp mình. Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, qua đó phát huy mặt tích cực, kịp thời uốn nắn những hạn chế. Các cấp ủy Đảng gắn thực hiện QCDC với vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VIII) thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và được sự đồng thuận hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong toàn xã hội.

Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện hiệu quả. Tất cả những vấn đề có liên quan đến người dân đều được các địa phương, ban, ngành công khai bằng nhiều hình thức. Việc tổ chức họp dân luôn được chính quyền chú trọng, để nhân dân được tham gia bàn bạc, quyết định trực tiếp những vấn đề quan trọng, nhất là các vấn đề có liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân. Đồng thời nhân dân còn có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của HĐND - UBND, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND, hoạt động của đại biểu nhân dân và cán bộ tại cơ sở; kết quả nghiệm thu, quyết toán các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp…  qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng của địa phương.

Điển hình, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của và ngày công lao động xây dựng đường giao thông, các công trình phúc lợi công cộng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 2.000 m2 đất và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động xây dựng hạ tầng cơ sở, góp phần đưa số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn bình quân của tỉnh là 15,71 tiêu chí/xã (nằm trong 10 tỉnh cao nhất trong cả nước),  toàn tỉnh có 35 xã đạt 19 tiêu chí, 24 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 38 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.

Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả khắc phục được tình trạng “hành chính hóa”, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ, cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền có nhiều chuyển biến, công tác cải cách hành chính từng bước đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ CNH - HĐH và nguyện vọng của nhân dân. Cụ thể, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ; rà soát, bãi bỏ một số thủ tục phiền hà; công khai đường dây nóng về tiếp nhận và xử lý thông tin; xây dựng tiêu chuẩn ISO, hiện đại hóa dịch vụ công được quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 14/17 sở, ngành; 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 126/126 xã, phường thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”; và “một cửa liên thông hiện đại”.

Thực hiện QCDC ở cơ sở góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Quyền làm chủ được phát huy, các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Nguồn: baobacninh.com.vn, ngày 19/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi