Ngày 3/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức hội nghị triển khai Kết luận số
120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao
chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở
cơ sở”, tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2015; triển khai nhiệm
vụ năm 2016.
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND
tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng
dự có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch HĐND
tỉnh; Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; các đồng chí thành
viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh; lãnh đạo các Huyện ủy, Thành
ủy và Đảng ủy trực thuộc tỉnh.
Triển khai Kết luận số 120-KL/TW ngày
7/1/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng,
hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, Ban TVTU đã xây dựng
kế hoạch, tập trung vào những nội dung chính cần thực hiện như: Tiếp tục
quán triệt Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị khóa VIII về việc xây dựng và
thực hiện QCDC ở cơ sở một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các
loại hình ở cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là
lĩnh vực liên quan trực tiếp quyền và lợi ích của người dân. Cấp ủy,
người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện QCDC
ở cơ sở và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên lâu dài, đề
cao trách nhiệm người đứng đầu và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng
viên, chống quan liêu và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân
dân. Phát huy mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật.
Kịp thời xử lý việc lợi dụng dân chủ, lôi kéo, kích động gây mất an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã
hội tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để hội viên, đoàn viên và nhân dân
hiểu, thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; thực
hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề liên quan
trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Nâng cao chất lượng công
tác thông tin tuyên truyền, để nhân dân nâng cao nhận thức, tiếp cận
thông tin; chú trọng tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt trong
thực hiện QCDC ở cơ sở.
Năm 2015, việc triển khai xây dựng và
thực hiện QCDC ở cơ sở có chuyển biến tích cực đã góp phần nâng cao ý
thức trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ,
phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sự đoàn kết, góp phần
ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội. Ở các xã,
phường, thị trấn, công tác quản lý, điều hành được đổi mới, đi vào chiều
sâu; nhiều nội dung được công khai đến nhân dân như: Các chương trình,
dự án phát triển kinh tế - xã hội, huy động đóng góp của nhân dân xây
dựng các công trình phúc lợi, bình xét hộ nghèo, gia đình chính sách,
sửa đổi hương ước, quy ước… góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật
thiết giữa Đảng với nhân dân. Trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp công lập đã thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa tổ chức
Đảng, chính quyền, công đoàn cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác
thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong
năm 2015, toàn tỉnh đã tiến hành 226 cuộc thanh tra hành chính và chuyên
ngành; phát hiện sai phạm phải xử lý với số tiền 14,38 tỷ đồng và
245.697m2 đất; đã tiếp 2.093 lượt công dân, tiếp nhận 1.801 đơn thư;
tiếp nhận 112 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đã giải quyết được
79 vụ, đạt 70,5%. Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện công khai
phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phổ biến và thực hiện các
chế độ chính sách đối với người lao động. 100% doanh nghiệp đã xây dựng
và ban hành Quy chế đối thoại, các quy chế về thực hiện dân chủ ở cơ sở;
tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị người lao động, qua đó
đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong
doanh nghiệp.
Năm 2016, việc thực hiện QCDC ở cơ sở
tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt, nâng cao
nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung Chỉ thị số
30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện QCDC ở
cơ sở”; đặc biệt là Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị
về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và
thực hiện QCDC ở cơ sở”. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy
Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, nhất là người đứng đầu
trong việc thực hiện QCDC. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể
nhân dân trong việc tuyên truyền, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, bổ sung quy chế hoạt động, nâng cao hiệu
quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp, các ngành. Tăng
cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện
QCDC ở cơ sở gắn với việc xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn
thể trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng
Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh ghi nhận những kết quả trong thực
hiện QCDC ở cơ sở của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Đồng chí
đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành xây dựng chương
trình triển khai thực hiện nghiêm túc, khoa học Kết luận số 120-KL/TW
ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất
lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Ban Chỉ đạo
thực hiện QCDC của tỉnh cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp
tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và QCDC ở cơ sở, nhằm tạo sự
chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân
trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, tích cực tham gia phát triển kinh tế -
xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở
cơ sở./.
Nguồn: baonamdinh.com.vn, ngày 4/3/2016