Thứ Tư, 27/11/2024
Quy chế dân chủ cơ sở trong DN quân đội

Tổ đối thoại được coi trọng

Thực hiện Nghị định 60/2013 của Chính phủ và QCDC tại nơi làm việc trong DN quân đội, Ban CĐ Quốc phòng đã tham mưu Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 46 vào tháng 6.2015 trong đó quy định rõ số lượng, thành phần, đối tượng, tiêu chuẩn thành viên Tổ đối thoại. Tổ đối thoại đại diện tập thể NLĐ gồm một số ủy viên BCH CĐCS và các thành viên do hội nghị NLĐ bầu, đảm bảo có hiểu biết về pháp luật lao động và CĐ, chính sách đối với NLĐ, tình hình SXKD của DN, đời sống, việc làm của NLĐ…

Thực tế cho thấy sự hoạt động có hiệu quả của Tổ đối thoại tại các đơn vị đã góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động bền vững. Theo đánh giá của đại tá Nguyễn Xuân Hải, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là đơn vị có đông DN về sản xuất, sửa chữa quốc phòng và quốc phòng kinh tế nhưng việc thực hiện QCDC được thực hiện tốt, chính sách cho NLĐ luôn đảm bảo. Tổ chức CĐ và các bộ phận liên quan của Tổng cục có sự hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hội nghị NLĐ.

Tại Nhà máy Z189 (Tổng cục CNQP) - đơn vị đóng tàu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế, đại tá Đào Đức Hạnh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc - đánh giá cao vai trò của Tổ đối thoại. Hội nghị NLĐ của nhà máy năm 2015 bầu 6 thành viên vào Tổ đối thoại (cùng 9 ủy viên BCH CĐCS). Các thành viên trong tổ phát huy tốt vai trò, năng lực và trách nhiệm, tổ chức đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động. Trong năm 2015 tổ chức 5 cuộc đối thoại dân chủ cơ sở. Hội nghị NLĐ năm 2016 tại 50/50 đơn vị đầu mối của nhà máy có 156 ý kiến tham gia. Qua cấp phòng, xí nghiệp, phân xưởng và cấp hội nghị cán bộ giải quyết 149 ý kiến, còn 7 ý kiến được đưa hội nghị đại biểu NLĐ nhà máy, chủ yếu tập trung vào thực hiện nhiệm vụ SXKD, công tác hậu cần đời sống, BHLĐ, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Khi trả lời các kiến nghị này, Giám đốc nhà máy không chỉ giải đáp cụ thể về phụ cấp cho thợ sơn; cấp giày, mũ sắt cho NLĐ; khám chuyên khoa; làm thêm nhà để xe… mà còn đề nghị NLĐ phải nâng cao nghiệp vụ, nhất là ngoại ngữ, đẩy mạnh phong trào sáng kiến, vì ngoài nhiệm vụ thi công các sản phẩm quốc phòng trọng điểm, nhà máy còn thực hiện các sản phẩm kinh tế trong nước, xuất khẩu, như năm 2015 bàn giao 10 tàu cho Tập đoàn Damen Hà Lan.

Đưa thu nhập, bữa ăn ca vào TƯLĐTT

Các bản TƯLĐTT đều đảm bảo pháp luật của Nhà nước và quy định của quân đội. Đặc biệt, ngoài các điều khoản luật định, sau khi thương lượng, các nội dung về chính sách như lương, thưởng, nhà ở cho người độc thân đã được đưa vào TƯLĐTT. Đại tá Nguyễn Xuân Hải dẫn trường hợp TƯLĐTT của Nhà máy Z121 (Tổng cục CNQP), năm 2015 trong TƯLĐTT có nội dung tiền lương, thu nhập đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng; năm 2016 sửa đổi, nâng lên là 11 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh chị em lao động Nhà máy Z189 phấn khởi vì Điều 19 TƯLĐTT nhiệm kỳ 2016-2017 sửa đổi số tiền chi vào bữa ăn trưa cho NLĐ là 22.000 đồng/bữa/người, thay cho mức 18.000 đồng như TƯLĐTT nhiệm kỳ 2014-2016. Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐ Nhà máy Z189 - cho biết, trong TƯLĐTT 2016-2017 bổ sung những quy định mới của luật như nam giới được nghỉ khi vợ sinh con (quy định cụ thể cho trường hợp vợ sinh thường, sinh phải phẫu thuật, sinh đôi…); điều chỉnh về tiền lương, chấm dứt HĐLĐ. Khi TƯLĐTT càng cụ thể, cả hai bên cùng nắm rõ quyền và trách nhiệm của mình trong quan hệ lao động.

“Ở các DN có tổ chức CĐ thực hiện tốt QCDC nên hầu hết các kiến nghị được giải quyết từ cấp tổ, bộ phận; chế độ, chính sách luôn đảm bảo. Vì vậy kiến nghị đưa ra tại các hội nghị NLĐ phần lớn tập trung vào nâng cao chất lượng sản xuất, ví dụ như tại Z121, 26/27 kiến nghị được giám đốc giao bộ phận chức năng giải quyết dứt điểm với thời hạn cụ thể, đa phần liên quan đến điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ…” - Trưởng ban CĐ Quốc phòng - đại tá Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.

Nguồn: laodong.com.vn, ngày 4/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất