Những năm qua, việc triển khai thực hiện Quy chế
dân chủ ở cơ sở tại xã Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên) đã đạt được nhiều kết quả, góp
phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương. Đặc biệt, sự đồng thuận của nhân dân là sức mạnh
tổng hợp tạo nên diện mạo mới ở xã vùng cao này.
|
Tuyến
đường giao thông liên xóm Đồng Tác, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã được đầu
tư xây dựng
với kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên
30%.
|
Xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là
động lực nhằm huy động sức mạnh của nhân dân tham gia thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ của địa phương, thời gian qua, Đảng bộ xã Tràng Xá đã
chủ động xây dựng và triển khai Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, tổ
chức quán triệt nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở đến cán bộ, đảng viên
và quần chúng nhân dân. Những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đều
được phổ biến tới bà con thông qua các cuộc họp thôn, xóm và trên hệ
thống loa truyền thanh.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư
Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng ủy luôn chú trọng thực hiện Quy
chế dân chủ ở cơ sở bám sát với nhiệm vụ chính trị của xã, quan tâm bồi
dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ tuyên
truyền tốt, nhân dân hiểu và có trao đổi về các vấn đề, lĩnh vực thì mới
thực sự là dân chủ. Ví dụ như trong việc triển khai thực hiện Chương
trình xây dựng nông thôn mới, sử dụng các nguồn vốn 134, 135, chúng tôi
đều thông báo để người dân biết và tạo điều kiện thuận lợi để bà con
tham gia giám sát, kiểm tra...
Để Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển
khai có hiệu quả, xã đã thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra và hưởng lợi” trên tất cả các lĩnh vực, như: Chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hạ tầng
nông thôn; vay vốn xóa đói giảm nghèo; các khoản thu chi đóng góp của
dân. Từ đó để nhân dân theo dõi và giám sát quá trình thực hiện, đặc
biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã
khái quát: Khi các chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới cùng
được triển khai thực hiện trên địa bàn xã, chúng tôi thông báo rộng rãi
tới dân mục đích ý nghĩa của các chương trình và trao đổi cách triển
khai thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ đó, gần chục cây số đường ô
tô có thể đi đến trung tâm xóm đã được hoàn thành, thóc ngô chè và gia
súc gia cầm đã theo những ngả đường này về xuôi. Khi triển khai xây dựng
Chương trình nông thôn mới, xã Tràng Xá đã lấy ý kiến đóng góp của dân
về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau khi nhân dân đồng thuận xây dựng
một công trình nào đó thì xã mới triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư
Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nhớ lại: Kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng
bộ xã, nét nổi bật nhất là các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và
vượt. Sản lượng lương thực đạt trên 12.500 tấn (vượt trên 1.200 tấn so
với kế hoạch), năng suất lúa từ 47 tạ/ha tăng lên trên 51 tạ/ha; năng
suất ngô tăng từ 45 tạ/ha lên trên 48 tạ/ha. Bảo đảm an ninh về lương
thực, nhân dân có điều kiện mở rộng phát triển kinh tế vườn, rừng. Điển
hình như: trồng mới trên 100ha chè (vượt trên 100ha so với kế hoạch);
trồng mới trên 500ha rừng sản xuất. Đặc biệt, bước đầu Tràng Xá đã định
hình được hàng chục mô hình trồng cây ăn quả đặc sản, như bưởi Diễn, cam
Canh, nhãn Hương Yên, chuối Tiêu hồng… Kinh tế được cải thiện, việc huy
động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã
thu được kết quả tốt. Để có được thành quả này, không chỉ thuần túy từ
các nguồn đầu tư, mà còn là là sự đồng thuận từ phía người dân. Ví dụ
như: Đưa được giống lúa lai thay thế giống cũ, triển khai cánh đồng một
giống… là cả một quá trình. Trước đây, ăn Tết xong đồng đất bỏ hoang,
người dân không quen làm vụ Xuân. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri,
những đóng góp dân chủ, công khai, mọi người đã đi đến thống nhất xây
dựng các quy chế, quy ước cho từng khu dân cư, trog đó có quy ước về sản
xuất nông nghiệp. Từ những quy định nhỏ được nhân dân tự thỏa thuận và
đi đến thống nhất nên dần dần tất cả các sinh hoạt trong cuộc sống cũng
được đưa vào các thiết chế, các quy định.
Nó về việc phát huy quyền làm chủ của
dân, trưởng xóm Đồng Tác, anh Hoàng Văn Mậu chia sẻ với chúng tôi: “Xóm
có 38 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Nùng, trong đó còn 12 hộ nghèo, nhưng
khi phát động làm đường, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng. Bởi người
dân được tham gia ý kiến về việc làm đường, được tham gia giám sát công
trình nên nhiều hộ hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường. Hộ
nghèo được hỗ trợ cho vay mượn trước, hoặc đổi công lao động… Bởi thế,
chỉ hai tháng sau ngày phát động, con đường bê tông sạch đẹp gần 1km đã
hoàn thành”.
Nhờ thực hiện tốt phương châm: Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng lợi, 5 năm qua, xã Tràng Xá huy
động được gần chục tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Hàng trăm hộ dân
hiến hàng nghìn mét vuông đất ruộng, đất thổ cư để làm đường giao thông
và công trình nhà văn hóa. Hầu hết các công trình xây dựng đều do chính
công sức người dân địa phương thi công, mỗi năm ước tính nhân dân góp
hàng chục nghìn công lao động công ích. Đến nay, 100% thôn, xóm ở
Tràng Xá có nhà văn hóa; gần 85% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ
sinh, Tràng Xá đã hoàn thành 13/19 tiêu chí về Xây dựng nông thôn mới…
Nguồn: baothainguyen.org.vn, ngày 1/4/2016