Năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn) và các đơn vị thành viên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do giá dầu thế giới giảm, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, lệnh trừng phạt kinh tế của các nước EU và Mỹ đối với Nga…
|
Hội nghị đại biểu người lao đông cơ quan Tập đoàn Dầu khi Việt Nam năm 2019 |
Với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động cùng sự điều hành sát sao, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của Ban lãnh đạo mà các mục tiêu kinh tế và chính trị của Tập đoàn đều hoàn thành. Tổng doanh thu Tập đoàn ước đạt 736,2 nghìn tỷ đồng, vượt 123,9 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt 20% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, vượt 43% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 108,0 nghìn tỷ đồng, vượt 20,5 nghìn tỷ đồng tương đương vượt 23,5% kế hoạch năm. Tháng 9/2019, Tập đoàn công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán, với lợi nhuận 50.600 tỷ đồng, vươn lên vị trí dẫn đầu các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta về lợi nhuận.
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Đảng ủy Tập đoàn và các cấp ủy đảng luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Theo đó công văn số 315-CV/BCĐ DUK ngày 8/3/2019 của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã được triển khai sâu rộng .
Cụ thể, Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp trực thuộc đã phối hợp chính quyền phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động; tổ chức giám sát, góp ý, phản biện xây dựng đơn vị. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền, phổ biến tư vấn pháp luật cho cán bộ, người lao động. Các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ hợp pháp của người lao động như các nội quy, quy định, quy chế, chính sách nhân viên, khen thưởng, kỷ luật… đều có sự tham gia, giám sát của công đoàn và các tổ chức đoàn thể. Các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh; Thỏa ước lao động tập thể; Nghị quyết hội nghị người lao động; Trích lập, sử dụng kinh phí khen thưởng, quỹ phúc lợi; Trích nộp kinh phí công đoàn, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, khiếu nại, tố cáo…luôn đăng tin trên hệ thống mạng nội bộ. Việc kết hợp phổ biến thông tin với họp giao ban, sơ kết, tổng kết, sinh hoạt chuyên môn, hội nghị người lao động… đã tạo mối quan hệ hài hòa và đồng thuận trong toàn hệ thống.
Đặc biệt, người lao động được tham gia xây dựng sửa đổi, bổ sung nội quy, quy định, quy chế, định mức tiền lương lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng cháy cháy nổ. Họ được quyết định giao kết, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện tập thể; biểu quyết nội dung thương lượng tập thể, người lao động được kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện các quỹ khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổng giám đốc và công đoàn các cấp luôn thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi cho người lao động, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức đúng quy định, những vấn đề đưa ra đối thoại được giải quyết thỏa đáng, không khí thực hiện dân chủ.
Có thể nói dù theo hình thức nào thì các đơn vị thuộc Tập đoàn đều thực hiện đúng và sáng tạo riêng tùy theo tình hình thực tế tại cơ sở. Các hoạt động được ví như là một biện pháp, công cụ để tăng cường quản trị doanh nghiệp, là nghệ thuật điều hành trong quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp; tăng cường tính tương tác giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua hệ thống truyền thông nội bộ và các biện pháp dân chủ trực tiếp khác, qua đó nắm bắt diễn biến, dư luận, tư tưởng của người lao động, tạo sự dân chủ trong doanh nghiệp. Điều quan trọng là sự thống nhất thực hiện xuyên suốt theo kế hoạch có kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và đúc rút kinh nghiệm kịp thời.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, khắc phục những tồn tại, hạn chế, năm 2020 Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn chú trọng thực hiện 4 công tác chính. Trước tiên cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên về dân chủ và thực hành dân chủ, về quyền và nghĩa vụ trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC. Ưu tiên nhất vẫn là phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân viên, người lao động về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát. Và đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức: Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Đoàn Thanh niên Tập đoàn, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trực thuộc.
Nhìn chung, tất cả nỗ lực của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC đều nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tất cả đều đi theo định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 về “Tăng cường mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”. Đây sẽ là nền móng để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam luôn ổn định và phát triển vững mạnh.
PV