Công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước - trọng tâm đổi mới trong công tác dân vận của Đảng
Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta luôn quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối với công tác dân vận; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân vận, tầm quan trọng của công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đối với việc góp phần giữ gìn, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” nhấn mạnh động lực để thúc đẩy người dân tham gia đó chính là quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, nguồn lực trong nhân dân. Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nội dung về công tác dân vận nhấn mạnh: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”, quan tâm giải quyết những vấn đề thiết thực, những bức xúc trong nhân dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị phát biểu
tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao
|
Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế đường lối, quan điểm của Đảng thành chính sách, pháp luật và quan trọng hơn đó là tổ chức thi hành, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. Hoạt động công vụ của các cơ quan, cán bộ nhà nước trực tiếp tác động đến quyền và nghĩa vụ của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện tập trung nhất mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, qua đó, người dân phản ánh ý kiến của mình cũng như giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói cách khác, hoạt động của các cơ quan nhà nước phải thực sự là cầu nối để thực hiện “ý Đảng, lòng Dân”. Với yêu cầu đẩy mạnh công tác dân vận các cơ quan nhà nước gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, ngày 14/7/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 114-KL/TW về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”, trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.
Từ Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương giai đoạn 2016-2021, công tác dân vận của chính quyền trong năm 2019 tập trung vào công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài.
Trên cơ sở đó, Chính phủ và chính quyền các cấp đã tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quan hệ với nhân dân. Nổi bật là, các chương trình kinh tế - xã hội trong 2 năm cơ bản đạt và vượt kế hoạch, nhất là các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội... quốc phòng an ninh được giữa vững, cuộc sống người dân tiếp tục được nâng cao, đời sống của người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Đồng thời, tăng cường sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều đạo luật liên quan đến những vấn đề thiết thân trong cuộc sống người dân, bức xúc xã hội được xây dựng, ban hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; các chính sách xã hội quan trọng (ban hành Bộ luật Lao động mới, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân...), bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... Chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân là một trong những yêu cầu để cải thiện quan hệ giữa chính quyền và người dân. Đến hết Quý III năm 2019 đã có 1.720 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan Trung ương và 46.660 dịch vụ được cung cấp tại các địa phương, hầu hết các địa phương đã xây dựng và vận hành thủ tục hành chính công. Gần đây Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử được thúc đẩy, là điều kiện để cải cách hành chính đạt được những bước tiến mới, tạo thuận lợi cho người dân trong quan hệ với chính quyền các cấp, giảm bớt nhũng nhiễu, phiền hà, tạo sự tin tưởng của người dân. Các quy định về nêu gương, nâng cao trách nhiệm công vụ, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý được quan tâm. Chính phủ và các địa phương ngày càng chú trọng những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, nhất là những vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài, chú trọng tiếp dân, đối thoại, lắng nghe để có giải pháp phù hợp giải quyết, quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp.
Công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, khiếu kiện kéo dài thời gian qua được các cơ quan nhà nước coi là nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc tổ chức thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Tiếp cận thông tin. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, lập hòm thư để tiếp nhận ý kiến của công dân, doanh nghiệp; bố trí thời gian, xây dựng lịch để thủ trưởng tiếp công dân. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành, chủ tịch UBND các cấp đã trực tiếp đối thoại với người lao động, nông dân, thanh niên và doanh nghiệp,... nắm bắt kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, những khó khăn, bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp và xã hội, những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và nêu cao trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ để kịp thời điều chỉnh, chấn chỉnh, tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra lĩnh vực có nhiều khiếu kiện, tố cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng việc chủ động thông tin, truyền thông về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân để dư luận hiểu đúng bản chất sự việc, tạo đồng thuận trong xã hội… Sự phối hợp tích cực, thường xuyên giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thống kê, phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết và có kế hoạch giải quyết từng vụ việc cụ thể mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua rà soát, đầu năm 2019, cả nước còn 35 vụ việc phức tạp do Thường trực Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý và hơn 600 vụ việc giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, đến tháng 8/2019, Tổ công tác của Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết 18/35 vụ việc; 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài#. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” nhằm tăng cường trách nhiệm của Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
Công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hoạt động của các mô hình tự quản trong nhân dân (Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ Hòa giải cơ sở...) tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh tiếp tục được quan tâm thực hiện đồng bộ ở các cấp chính quyền. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu như: “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại Đồng Tháp; phong trào “Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa” tại Nam Định, Thanh Hóa, “Xây dựng khu, cụm công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Xây dựng xã không có tội phạm và tệ nạn ma túy”… là những điểm sáng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần xây dựng mối quan hệ tích cực giữa chính quyền và nhân dân.
Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của chính quyền các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng và đảm bảo, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể chế, cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát các hoạt động cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, thực hành dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn, vướng mắc, bức xúc, khó khăn trong quá trình phát triển được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân trao đổi, bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, quyết liệt, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tốt hơn để công tác dân vận của chính quyền đạt được mục tiêu và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, còn không ít cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; xem nhẹ công tác dân vận, chưa coi trọng việc vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực của chính quyền các cấp còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, quan hệ lao động...; tình trạng “lợi ích nhóm”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; ở nhiều địa phương, công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người chưa chuyển biến, dễ bị các phần tử xấu, thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc, kích động tụ tập đông người, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội; đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân; chưa thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến cuộc sống của mình còn hình thức, có nơi còn áp đặt, không công khai, minh bạch dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài ở một số nơi không thể giải quyết dứt điểm. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện công tác dân vận có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia quản lý nhà nước có nơi còn mờ nhạt, hạn chế.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả đối với công tác dân vận của các cơ quan nhà nước
Những nhiệm vụ, mục tiêu những giai đoạn tiếp theo không thể thành công nếu không thực sự xem trọng công tác vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, động viên, phát huy người dân tham gia tích cực vào quá trình phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trình độ dân trí ngày càng cao, ý thức và vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, các phương tiện thông tin, mạng xã hội ngày càng đa dạng, đa chiều; chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu ngày càng tinh vi, quyết liệt... đòi hỏi công tác dân vận của các cơ quan nhà nước phải không ngừng đổi mới, đi vào thực chất, nâng cao hiệu quả, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, Quyết định số 290-QĐ/TW, Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW, Kết luận số 114-KL/TW, Kết luận số 120-KL/TW, Chỉ thị số 16/CT-TTg... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, công chức trong mối quan hệ với nhân dân.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội đã ban hành; thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chính sách đối với người yếu thế, người thu nhập thấp, người nghèo đô thị...
Ba là, tiếp tục thể chế cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nâng cao hiệu quả của việc đánh giá tác động của chính sách, nhất là các tầng lớp nhân dân chịu ảnh hưởng của chính sách, pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đổi mới nội dung, hình thức, quy trình lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống của mình; lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính nhà nước, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, mức 4, liên thông từ Trung ương đến chính quyền các cấp, người dân, xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử gắn với cải cách chế độ công vụ, tiền lương. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” vai trò nêu gương của người đứng đầu, thường xuyên đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính các cấp gắn với lấy phiếu tín nhiệm trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ, kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém, vi phạm pháp luật.
Năm là, tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những bức xúc xã hội nổi cộm, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài, tiềm ẩn vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua tiếp dân, đối thoại, giải quyết thực chất, có lộ trình giảm dần, tiến tới giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, không để phát sinh mới, giải quyết ngay từ lúc vụ việc phát sinh tại cơ sở.
Sáu là, phối hợp thường xuyên giữa Ban Dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với các cấp chính quyền về công tác dân vận. Đưa công tác dân vận của chính quyền trở thành hoạt động thường xuyên, là yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trong thực thi công vụ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhất là giám sát công chức, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước.
Bảy là, đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các cơ quan hành chính nhà nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu để vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cộng đồng xã hội, cho đất nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động công vụ, cải cách hành chính, trong quan hệ với nhân dân nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ mới./.
(Tạp chí Dân vận số 1+2/2020)