Thứ Tư, 29/1/2025
Hội thảo khoa học “75 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận hiện nay”
 
 Quang cảnh Hội thảo 

 

Các đồng chí: Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, lãnh đạo Quân khu II, lãnh đạo một số tỉnh, thành ủy và đông đảo các nhà khoa học.

Về phía tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo ban, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh… Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết nối với 9 điểm cầu gồm các huyện, thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và Công an tỉnh.

Cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác Dân vận của Đảng

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ, Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm 75 năm Chủ tịch  Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, 25 năm Ngày Dân vận của cả nước, cùng nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, đất nước trong năm 2024; tiếp tục khẳng định tầm vóc, giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận đối với cách mạng Việt Nam và việc vận dụng, phát huy giá trị tác phẩm và các di sản Hồ Chí Minh trong công tác dân vận hiện nay. Qua Hội thảo, góp phần tham gia tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, đặc biệt là tích cực góp phần vào việc tổng kết 40 năm đổi mới và tham gia góp ý, xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

 
 Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo


“Dân vận” - Một bài báo nhưng lại là một tác phẩm lớn, được coi là “Cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác Dân vận của Đảng”, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc. “Dân vận” qua chỉ dẫn của Bác, là sự thống nhất giữa tư tưởng với phương pháp và phong cách dân vận, là khoa học và nghệ thuật của công tác vận động quần chúng, với sự khẳng định chắc chắn: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã thực hiện tốt công tác dân vận theo định hướng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công tác dân vận luôn được Đảng xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng; góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung những nội dung chủ yếu như: từ tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận đến công tác dân vận của Đảng giai đoạn hiện nay; công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; hiệu quả nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân; Ban Dân vận các cấp với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác  dân vận

Giá trị lý luận và thực tiễn to lớn

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, Tuyên Quang luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng. Trong Cách mạng Tháng Tám, tỉnh là căn cứ địa, trung tâm của cách mạng cả nước, là “Thủ đô Khu giải phóng”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua, Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận theo hướng đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Những kết quả của công tác dân vận trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Từ một tỉnh kém phát triển, Tuyên Quang đã nỗ lực trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua Hội thảo này sẽ giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong tỉnh Tuyên Quang nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận đối với cách mạng Việt Nam và vận dụng, phát huy giá trị tác phẩm trong công tác dân vận hiện nay, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 
 Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội thảo.

 

Hội thảo diễn ra 02 phiên, bao gồm phiên tham luận và phiên tọa đàm bàn tròn. Tại phiên tham luận, với 51 tham luận gửi đến trong đó có 6 tham luận, ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đã tiếp tục khẳng định tầm vóc, giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ góc độ lý luận, nhiều tham luận đi sâu phân tích, làm rõ thêm bối cảnh lịch sử và sự ra đời của tác phẩm “Dân vận”; sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của Nhân dân và tư tưởng “dân là gốc”; nội dung cốt lõi của tác phẩm “Dân vận”, tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận và thực hành “Dân vận khéo”.

 
Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tham luận 

 

Cùng với đó, các tham luận cũng nhấn mạnh đến bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam - nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận, cách thức tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2045; phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận

Phiên tọa đàm bàn tròn có chủ đề: Từ tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy tối đa sức mạnh nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Tọa đàm có sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Thế Trung, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, Chuyên viên tư vấn Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Trần Minh Trưởng, Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đào Đoan Hùng, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang; Mai Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

 
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại Hội thảo 

 

Các đại biểu tham gia thảo luận tọa đàm bàn tròn đã trao đổi ý kiến xung quanh một số nội dung như: vấn đề cốt lõi của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay để thực hiện theo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các nội dung có ý nghĩa thời sự đặc biệt trong tác phẩm “Dân vận”; các nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những cách làm hay trong công tác dân vận tại tỉnh Tuyên Quang, vai trò của công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại huyện Hàm Yên…, là những kinh nghiệm quý để nhiều địa phương, cơ sở tham khảo, vận dụng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, 75 năm đã qua từ khi tác phẩm “Dân vận” ra đời, đặc biệt qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tác phẩm vẫn vẹn nguyên nội dung và giá trị, tính thời sự sâu sắc, là cơ sở, nền tảng lý luận để Đảng và Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, về tôn giáo, dân tộc, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài…

 
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
phát biểu bế mạc Hội thảo
 

 

Tại Hội thảo, các tham luận, báo cáo đều thống nhất, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, cần tập trung sức người, sức của cho kháng chiến. Tác phẩm có dung lượng ngắn gọn nhưng mang tầm vóc tư tưởng lớn, tầm minh triết, với các nội dung cốt lõi về vai trò nhân dân và bản chất dân chủ của Nhà nước, về nội dung công tác dân vận, những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Về giá trị lý luận và thực tiễn, tác phẩm “Dân vận” là sự kế thừa, phát triển sáng tạo giá trị truyền thống, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân; là cẩm nang cho việc thực hiện công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị; góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 
Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương và các đại biểu dự Hội thảo
 

 

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa về nội dung, tầm vóc, giá trị tác phẩm “Dân vận”. Đồng thời, kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang 94 năm công tác Dân vận của Đảng gắn với 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân./.

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất