Thứ Năm, 14/11/2024
Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận
 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Nam 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố;  lãnh đạo Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.

Quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận, đó là: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Quyết định số 290-QĐ/TW và các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy chế dân vận trong hệ thống chính trị, quy chế giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị....

Trong năm 2015, cùng với việc lãnh đạo Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và ban hành Kết luận 120-KL/TW ngày 7/01/2016; sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW và ban hành Kết luận 03-KL/TW ngày 13/5/2016; thực hiện đề án “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và ban hành Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015. Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Nam 

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu và thảo luận để quán triệt sâu sắc những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động cũng như các văn bản quan trọng của Đảng về công tác dân vận nhằm triển khai kịp thời, sâu rộng, hiệu quả tới địa phương, đơn vị, tới cơ sở và từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng…

Thay mặt lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Thào Xuân Sùng và đồng chí Trần Thị Bích Thủy đã quán triệt, triển khai tại Hội nghị các văn bản: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về công tác dân vận; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Kết luận 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kết luận 03-KL, ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị khóa X về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

Nâng cao chất lượng công tác dân vận trong hệ thống chính trị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận trong thời gian tới.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Thời gian qua, Ban cán sự đảng Chính phủ, tập thể Chính phủ đã chú trọng thực hiện công tác dân vận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, góp phần ổn định tình hình đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; tập trung chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tổng kết Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử…

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Dân vận Trung ương về thực hiện Nghị quyết XII của Đảng về công tác dân vận, Thành ủy Hà Nội đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chương trình hành động của Ban Dân vận Trung ương thực hiện Nghị quyết; triển khai đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 290-QĐ/TW; tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô; triển khai thực hiện tốt Kết luận số 120-KL/TW; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng Thành phố; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Thành phố về công tác dân tộc, tôn giáo; quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh…

Tham luận về công tác lãnh đạo và chỉ đạo, kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Tăng cường công tác dân vận để củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ thành phố và nhân dân. Việc tăng cường công tác dân vận phải phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Dân vận Thành ủy, ban dân vận các quận ủy, huyện ủy, phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở; tăng cường trách nhiệm dân vận của chính quyền, địa phương, của các cơ quan nhà nước; gắn với đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…

Công tác dân vận – một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong những thành tựu đất nước ta đạt được có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc phát huy dân chủ của nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, có tác dụng tích cực vào phát triển bền vững đất nước, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Nam 

Bên cạnh đánh giá những thành tích, tiến bộ của công tác dân vận, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém của công tác dân vận trong thời gian. Theo đồng chí Tổng Bí thư: “Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Đồng chí mong muốn những người trực tiếp làm công tác dân vận cần thấu hiểu và thấm nhuần sâu sắc những vấn đề nêu trên để hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho, công tác dân vận ngày càng thực sự đổi mới và đạt được nhiều thành tích mới, tiếp tục góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta giành nhiều thắng lợi, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

(Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận sẽ được đăng trên Danvan.vn trong thời gian tới.)

Thanh Hà


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất