Thứ Ba, 17/12/2024
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện các quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) khu vực phía Bắc

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Tới dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện: Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân vận các đảng ủy trực thuộc Trung ương; Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy và một số tổ chức chính trị - xã hội của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Trưởng Ban Dân vận các huyện, thành ủy trong tỉnh Quảng Ninh.

Sau phát biểu khai mạc, đề dẫn hội nghị của đồng chí Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận TW đã có 10 tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu, trong đó tập trung nêu bật các kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các Quyết định số 217, 218 ở các địa phương, đơn vị; những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục và đưa ra những ý kiến đề xuất, kiến nghị.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Toàn cảnh Hội nghị 


Các tham luận thống nhất về kết quả bước đầu sau hơn 2 năm triển khai các Quyết định số 217, 218 đã góp phần phát huy dân chủ; nâng cao chất lượng ban hành các cơ chế, chính sách của chính quyền; góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các Quyết định số 217, 218 thành các chủ trương, văn bản, nghị quyết, quyết định để phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và cụ thể hóa vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Các cấp chính quyền đã quan tâm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực tham mưu, đề xuất, với các cấp ủy đảng, phối hợp với các cấp chính quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai thực hiện...

Tuy nhiên, triển khai thực hiện các Quyết định số 217, 218 còn có những hạn chế như: phạm vi giám sát, phản biện còn chung chung, hạn chế; quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm đăng ký, chậm thực hiện; một số nội dung kiểm tra, giám sát chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và yêu cầu thực tiễn đề ra. Chất lượng giám sát, phản biện một số dự án có liên quan đến đời sống đông đảo người dân, vào các văn bản pháp luật sắp ban hành chưa sâu. Đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở pháp lý‎‎ để đối tượng giám sát, phản biện cung cấp thông tin, đối thoại cũng như chế tài trách nhiệm giải quyết sau giám sát, phản biện chưa rõ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định sự ra đời của các Quyết định số 217, 218 hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển đất nước và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 là chỗ dựa quan trọng để thực hiện dân chủ thông qua hai cơ chế: dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Mục tiêu để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tăng được sự đồng thuận, sự ủng hộ của người dân, niềm tin của người dân với đảng; củng cố mối quan hệ đảng - dân. Trong quá trình đó, cũng như trong triển khai thực hiện các Quyết định số 217, 218, cả hệ thống chính trị cần phải xác định rõ vai trò của người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia và nói lên tiếng nói của người dân vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân.

Trong thời gian tới, để các Quyết định số 217, 218 đi vào cuộc sống, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải quyết tâm, thống nhất trong nhận thức và hành động; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt vai trò của Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân. Các cơ quan nhà nước không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đặc biệt là lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh, khắc phục những vấn đề được giám sát, phản biện, góp ý. MTTQ và các đoàn thể tích cực, chủ động trong giám sát, phản biện gắn với hiệu quả, thiết thực với đời sống. Kiên trì, mềm dẻo xử lý với những vấn đề sau giám sát, phản biện, góp ý. Huy động được các nguồn lực; chú trọng sử dụng các chuyên gia; các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; đặc biệt là sự tham gia của người dân để chăm lo giải quyết những vấn đề của người dân, nói lên tiếng nói của người dân. Coi quá trình tổ chức góp ý, giám sát, phản biện vừa là quá trình phát huy dân chủ vừa là quá trình vận động người dân thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, bản lĩnh...

Tin và ảnh: ​Thanh Nam

 
 
 
 
 
 
 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất