Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Phan Chí Hiếu, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, các tổ chức đoàn thể của Bộ Tư pháp.
|
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng, Đảng ủy,
Lãnh đạo Bộ Tư pháp |
Theo báo cáo đánh giá của của Bộ Tư pháp và qua các ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, cho thấy: Đồng thời với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận, qua một năm triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, công tác dân vận của các cơ quan Bộ Tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên của Bộ có chuyển biến rõ nét hơn. Thông qua việc thực hiện công tác dân vận, QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, góp phần xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của Bộ, của ngành; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của đất nước.
Công tác dân vận của chính quyền và dân vận của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện đồng bộ phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp luôn quán triệt thực hiện tốt nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã tổ chức, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình của Bộ những chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nói chung và Quy chế dân vận của hệ thống chính trị nói riêng thành các quy định trong Hiến pháp 2013, trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành và tổ chức thi hành các văn bản đó trong thực tiễn.
Việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là với các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, qua đó từng bước giảm thiểu có hiệu quả tình trạng “nợ đọng” văn bản; việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ để các Bộ, ngành trình Chính phủ; việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tốt; đã tham mưu cho Chính phủ trong việc tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, tham gia tích cực trong xây dựng và chủ trì tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp mới; việc hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực quản lý của Ngành đạt được nhiều kết quả, hầu hết các lĩnh vực đều có luật điều chỉnh; hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được kiện toàn và ngày càng phát triển bền vững, thừa phát lại được mở rộng thí điểm và thành công, được Quốc hội ghi nhận, cho triển khai chính thức; công tác xây dựng Ngành tiếp tục được đẩy mạnh; quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp được tăng cường nhất là triển khai Luật hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân; công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở được chú trọng và tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh; thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở được hoàn thiện.
Bộ Tư pháp gồm 37 đơn vị, trong đó 23 đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 13 đơn vị sự nghiệp công lập và 01 tổ chức đặc thù tương đương cấp Vụ (Văn phòng Đảng – Đoàn thể).
Bên cạnh đó, Bộ còn quản lý hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự địa phương ở 63 tỉnh, thành với 63 Cục Thi hành án dân sự và 710 chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Bộ Tư pháp có 11.264 cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, trong đó có 10.215 biên chế cán bộ, công chức và 1.049 viên chức tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
Đảng bộ Bộ Tư pháp là đảng bộ cấp trên cơ sở, có 37 đơn vị trực thuộc (có 6 đảng bộ cơ sở, 31 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ); có 38 chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở; toàn Đảng bộ có trên 900 đảng viên. |
Từ năm 2013, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai đồng bộ trên cả nước, thực sự trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của người dân; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bảo đảm yêu cầu pháp lý phục vụ hội nhập sâu rộng của đất nước.
Công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, sắp xếp bộ máy các đơn vị thuộc Bộ phù hợp với tình hình hoạt động thực tế, thực hiện nghiêm kỷ cương văn hóa công sở, phân công phân nhiệm rõ ràng tới từng chức danh lãnh đạo, xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Lãnh đạo, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ đã có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác lãnh chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phù hợp thực tế, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, không để xảy ra những vấn đề phức tạp liên quan đến khiếu kiện.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW còn một số tồn tại, hạn chế như: việc phổ biến, quán triệt một số chủ trương, chính sách về công tác dân vận cho cán bộ, công chức, viên chức có lúc còn chậm; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị, còn biểu hiện coi công tác dân vận là công tác của cấp ủy đảng, của các tổ chức đoàn thể; việc thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực hiện chế độ tài chính và các chế độ, chính sách khác liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn hạn chế; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong một số đơn vị còn chưa phát huy hết hiệu quả…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác dân vận có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp. Thời gian qua, tư tưởng “Dân vận” Hồ Chí Minh, các nội dung công tác dân vận được thấm sâu vào các hoạt động chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Đồng chí cũng nêu lên một số kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Bộ, trước nhất là, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, quán triệt, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; phát huy vai trò, trách nhiệm của Bí thư cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị; có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, cấp ủy và các tổ chức đoàn thể để đảm bảo việc chỉ đạo đồng bộ, thống nhất.
Đồng chí Phan Chí Hiếu cũng đề nghị, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận của chính quyền cần được Ban Dân vận Trung ương đẩy mạnh nghiên cứu về lý luận, khảo sát, kiểm tra đánh giá việc thực hiện, đồng thời với tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cao trong cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
|
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy và Đoàn khảo sát làm việc tại Tổng Cục thi hành án dân sự,
Bộ Tư pháp |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Bích Thủy ghi nhận, đánh giá cao chuyển biến tích cực và những kết quả Bộ Tư pháp đạt được trong thời gian qua trong thực hiện công tác dân vận, trong đó có việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW. Tư tưởng “Dân vận” Hồ Chí Minh, nội dung công tác dân vận đã thực sự thấm sâu vào các hoạt động chuyên môn, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy lưu ý các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân vận Bộ Tư pháp cần chú trọng thực hiện, trong đó có tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu sắc hơn nữa các văn bản của Đảng về công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận; đẩy mạnh việc xây dựng thể chế theo các nhiệm vụ được giao, đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo nguyên tắc các văn bản quy phạm pháp luật ra đời phải phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các khiếu nại tố cáo, đơn thư tồn đọng gây bức xúc cho người dân…
Đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện công tác dân vận… để công tác dân vận góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, vào sự phát triển đất nước, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát Ban Dân vận Trung ương đã làm việc tại Tổng Cục thi hành án dân sự.
Hoàng Trang