Thứ Ba, 7/1/2025
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI

Tại đầu cầu trung tâm tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham gia chủ trì Hội nghị còn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Tổng thư ký; Ngô sách Thực, Phó Chủ tịch  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương. Tham dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.


 Quang cảnh Hội nghị


Trong lời phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ: Từ khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành hai Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW, chủ trương của Đảng về giám sát và phản biện xã hội kể từ Đại hội X đã từng bước được hiện thực hóa, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được triển khai cụ thể, đạt được những kết quả tích cực, có thêm kinh nghiệm quý, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng chí đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm: Đánh giá đúng thực trạng hoạt động giám sát và phản biện xã hội và việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, việc 
thực hiện trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đông thời, giới thiệu những cách làm hay, kinh nghiệm tốt về công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý có hiệu quả để cùng trao đổi kinh nghiệm.

Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nêu bật những kết quả chủ yếu trong việc xây dựng cơ chế, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong lĩnh vực giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong 3 năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng, ký kết 10 chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức thực hiện việc giám sát; tổ chức hàng chục đoàn giám sát liên ngành; chuẩn bị ký 2 chương trình phối hợp giám sát về Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTW khóa XI, về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ở 3 cấp địa phương, MTTQ đã chủ trì thực hiện trên 56,6 ngàn cuộc giám sát, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư, việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm, về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm..; thực hiện trên 30,6 ngàn cuộc phản biện xã hội; phối hợp tổ chức trên 90,8 ngàn hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền với Nhân dân…

Tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, TP.Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lào Cai, Hà Tĩnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tham luận, làm rõ thêm những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị trong quá trình thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị thời gian qua.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là một tất yếu khách quan trong hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội của Đảng, Nhà nước, là một yêu cầu trong thực hiện, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội. Nhắc lại một số số liệu đã nêu trong báo cáo, trong 3 năm, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tiến hành trên 178 ngàn cuộc giám sát, phản biện và tổ chức đối thoại, cho thấy kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Điều quan trọng là đã từng bước hoàn thiện được cơ chế để thực hiện việc giám sát. Tuy còn một số mặt hạn chế như: Quyết định số 218-QĐ/TW chưa có hướng dẫn, chưa rõ cơ chế thực hiện nên kết quả thực hiện còn hạn chế; nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo thực hiện việc quy chế giám sát và phản biện xã hội của một số cấp ủy, chính quyền còn chưa đầy đủ; năng lực đội ngũ cán bộ, kinh phí thực hiện còn bất cập…

Đồng chí cũng đúc rút một số kinh nghiệm bước đầu như: Nhận thức, thái độ và nêu cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo thực hiện Quy chế, Quy định của cấp ủy, chính quyền là rất quan trọng; vì là việc mới, việc khó nên phải có cách làm phù hợp, làm từng bước, vừa sức, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; sau giám sát cần có sự chuyển giao trách nhiệm giám sát cho tổ chức thành viên chủ động thực hiện tiếp theo; phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ thực hiện giám sát, phản biện, phát huy tối đa vai trò các tổ chức thành viên của Mặt trận; phải đeo bám thực hiện các kiến nghị sau giám sát, v.v..

Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban Dân vận Trung ương có văn bản hướng dẫn việc thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW trong hệ thống dân vận, Mặt trận. Hằng năm, Mặt trận và các tổ chức thành viên tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện các Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Hoàn thành sớm Sổ tay về giám sát và phản biện xã hội gắn với tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội…

Bài và ảnh: Việt Hải

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất