Thứ Hai, 25/11/2024
Sóc Trăng xây dựng 31.945 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
 
Những cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”
 vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
 


Dự họp mặt có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ban ngành, đoàn thể; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy qua các thời kỳ; thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”.

Phát biểu ôn lại truyền thống ngành Dân vận của Đảng, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, cách đây 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc). Trong Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Nghị quyết về công tác vận động quần chúng. Từ đó, các cơ quan chuyên môn về các giới vận động của Đảng được thành lập, mở ra một trang mới trong công tác dân vận của Đảng.

Ngày 31/8/1947, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về xây dựng Đảng đoàn và các ban chuyên môn trong đó có Ban Dân vận. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận”, đăng trên Báo Sự Thật, nội dung bài báo có thể coi là cương lĩnh về công tác dân vận của Đảng và Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm ngày dân vận cả nước.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, xem nhân dân là hậu phương, là căn cứ của cách mạng vững chắc, tạo thành sức mạnh vĩ đại đưa phong trào đấu tranh cách mạng ở Sóc Trăng giành được thắng lợi. Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay toàn tỉnh có 31.945 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực. Nổi bật là dân vận để giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, nhờ hiệu quả và sự lan tỏa của phong trào “Dân vận khéo”, nhân dân đã góp sức đưa TX. Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào cũng kêu gọi các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu còn được nghe chia sẻ kinh nghiệm thực hiện “Dân vận khéo” như: mô hình “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” của huyện Mỹ Tú; mô hình “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự” Công an tỉnh…

Nhân dịp này, có 40 tập thể, 50 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có những thành tích tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo”.

Phát biểu trong buổi họp mặt, đồng chí Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh, trong bất kỳ giai đoạn nào, công tác dân vận cũng luôn được xem là khâu then chốt để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Do đó, thời gian tới, hệ thống dân vận các cấp và cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” để vận dụng thực hiện nhiệm vụ chính trị. Không ngừng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, nhất là thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng. Đồng chí Lâm Văn Mẫn cũng đề nghị dân vận, mặt trận, các đoàn thể tăng cường công tác nắm tâm tư, tình cảm của đoàn viên, hội viên, nhân dân gởi đến đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

(baosoctrang.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất