Thứ Năm, 9/1/2025
Hiệu quả của mô hình tổ tuyên vận

 Cán bộ Tổ Tuyên vận thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa xuống địa bàn vận động người dân xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống mới

Phát huy vai trò xây dựng nông thôn mới

Tại xã vùng cao Tà Chải, huyện Bắc Hà (Lào Cai), tất cả các đường chính trong thôn, liên thôn, liên gia đều được bê-tông hóa. Người dân trong xã đóng góp 684 triệu đồng và 17 triệu ngày công, xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, 23 hộ hiến hơn 1.000 m2 đất làm đường giao thông. Toàn xã có năm tổ tự quản vệ sinh môi trường, chín câu lạc bộ nhà sạch, vườn đẹp, bốn điểm thu gom rác thải tập trung,... Năm 2014, Tà Chải về đích xã NTM, sớm hơn kế hoạch một năm.
Điều gì giúp Tà Chải có bước tiến vượt bậc ấy? Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tà Chải Vàng Văn Khương khẳng định: Đó là công lao chính của Ban Tuyên vận xã và chín tổ tuyên vận ở chín thôn. Nhiệm vụ của Ban Tuyên vận xã cũng như tổ tuyên vận thôn là tuyên truyền để bà con phát triển kinh tế theo các mô hình sản xuất mới, xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó, xã đã xây dựng một số mô hình điểm như trồng cây táo mèo, tỷ lệ sinh trưởng, phát triển tốt, thu hoạch cao; trồng cây mận tam hoa, lê đường; sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tất cả chín thôn trong xã đều làm tăng vụ; 199 hộ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 18,22 triệu đồng, tăng 8,2 triệu đồng so với năm 2011; 150 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32% năm 2011 xuống còn 8,36% năm 2014. 
Với 21 ban tuyên vận xã và 236 tổ tuyên vận thôn, mô hình tuyên vận ở huyện Bắc Hà đã đi vào nền nếp. Do làm tốt công tác tuyên vận, nhân dân trên địa bàn các xã đã tích cực đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, cây cối, hoa màu để xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị canh tác; câu lạc bộ nhà sạch, vườn đẹp hoạt động có hiệu quả. Ban Tuyên vận một số xã duy trì làm vệ sinh cơ quan vào thứ sáu hằng tuần, nhiều tổ tuyên vận duy trì làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm từ một đến hai lần trong tháng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà Hoàng Thế Dũng cho biết: Sau ba năm thực hiện cho thấy mô hình tổ tuyên vận phù hợp với các huyện vùng cao, không chỉ tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội mà đó còn là nơi bồi dưỡng nguồn cán bộ địa phương. 
Bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa
Chúng tôi đến Tả Phìn, xã khó khăn của huyện Sa Pa, nơi sinh sống chủ yếu của người Mông và người Dao. Trước đây, hủ tục vẫn đè nặng lên cuộc sống của bà con trong bản. Tiệc cưới dài ngày, chi phí cho một đám cưới của người Dao tốn kém hàng trăm triệu đồng, uống rượu ba, bốn ngày liền. Thấy rõ ảnh hưởng không tốt của việc này, tổ tuyên vận tập trung giải thích, trước hết là trong dòng họ, rồi đến bà con trong thôn; đồng thời vận động những người uy tín chung tay giúp đỡ. Từ đó, gia đình bác Lý Phù Nhàn ở thôn Tả Chải có năm người con đều tổ chức các đám cưới theo nếp sống mới, dành tiền làm nhà cửa. Giờ đây, bác Nhàn trở thành cộng tác viên tích cực của tổ tuyên vận. Giờ đây ở thôn Tả Chải, việc cưới hỏi chỉ làm trong một ngày, gia đình nào cũng vui vẻ. Theo Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tuyên vận thôn Tả Chải Lý Quẩy Seng, khi chưa có tổ tuyên vận, công tác tuyên truyền, vận động bà con bài trừ hủ tục gặp nhiều khó khăn. Sau khi có tổ tuyên vận với hình thức tuyên truyền vận động bà con đồng bộ, phù hợp, mọi công việc khá hiệu quả. 
Ở thôn Can Ngài, bà con đều lấy gương đảng viên 50 năm tuổi Đảng, 87 tuổi đời Giàng A Phà để làm theo. Nhiều năm trước đây, gia đình bác Phà là hộ nghèo. Khi trồng cây hoa lan, tổ tuyên vận đến từng nhà vận động bà con tham gia. Gương mẫu làm trước, đến nay gia đình bác Giàng A Phà trồng 200 chậu hoa lan, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện nay xã có hơn 20 nghìn chậu lan, 601 hộ chiếm 81% số hộ trong xã trồng lan, sản lượng cây lan của Tà Chải chiếm 80% sản lượng của huyện Sa Pa. 
Sau ba năm thực hiện Đề án thí điểm mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố, tỉnh Lào Cai đã thành lập 2.041 tổ tuyên vận với 6.263 thành viên. Tổ trưởng tổ tuyên vận thường là bí thư chi bộ thôn, bản; thành viên là các chi ủy viên, trưởng hoặc phó các tổ chức chính trị - xã hội thôn, bản. Với cách thức chủ yếu là tuyên truyền miệng ở mọi lúc, mọi nơi, họp thôn, họp các đoàn thể, trên loa truyền thanh, tại gia đình, trên đồng ruộng, nương rẫy, qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, hình ảnh trực quan phù hợp điều kiện thực tế… theo phương châm “đến từng ngõ, rõ từng nhà”. Bộ máy ban tuyên vận xã và tổ tuyên vận thôn nắm thông tin hai chiều, giúp các cấp ủy làm tốt hơn công tác tư tưởng, nhất là trước những vấn đề lớn, phức tạp. 
Hướng mạnh về cơ sở, mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố của tỉnh Lào Cai phù hợp với vùng núi, vùng cao biên giới. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân ngày càng đạt hiệu quả cao. Cán bộ gần dân, sát cơ sở hơn, trưởng thành nhanh hơn do thường xuyên được cập nhật các thông tin, kiến thức, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ tuyên vận; dân chủ ở cơ sở được tăng cường, thực chất hơn... 

Nguồn: nhandan.com.vn/Ngọc Liên, 15/10/2015

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất