Thứ Tư, 13/11/2024
Hiệu quả từ công tác dân vận ở Đắk Nông
Giao thông Đắk Nông được đầu tư nâng cấp thuận tiện cho người dân. (Ảnh: K.V)
Theo đó, 8/8 huyện, thị xã của Đắk Nông đã tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Quy chế công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Mặt trận và các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng các phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Quỹ Vì người nghèo, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…  Chính quyền các cấp cũng đã tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và cử cán bộ phụ trách công tác dân vận theo đúng thành phần được phân công; thực hiện công tác dân vận thông qua Đề án 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính phục vụ nhân dân; tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; thực hiện cơ chế “một cửa”… ,  được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp ủy đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phong trào vận động hội viên, đoàn viên, cá nhân tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn vươn lên, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông những năm qua đã được nhiều kết quả tích cực.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận cũng được cấp ủy chú trọng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng; củng cố, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận. Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa, có tâm huyết, nhiệt tình, uy tín, say mê với công việc. Đây cũng là cơ sở để quy hoạch, đào tạo cán bộ có năng lực, phân công đảm nhiệm các chức vụ của đảng, chính quyền. Thông qua phong trào hoạt động thực tiễn nhằm phát hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực để đưa vào ban dân vận các cấp.

Những vấn đề vướng mắc được chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân, như: Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải phóng mặt bằng để xây dựng các cụm công nghiệp; xây dựng điện, đường, trường, trạm…

Nhờ làm tốt công tác dân vận, các chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh xóa bỏ tập tục lạc hậu, tố giác đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ trong nhân dân … đã được nhân dân tham gia tích cực.

Chính vì vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, đời sống kinh tế phát triển khá, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,13%; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể chỉ còn 26,8%. Người dân đã biết thay đổi cách làm ăn, số hộ khá, giàu tăng. Đặc biệt, bộ mặt vùng nông thôn của tỉnh Đắk Nông ngày một đổi mới, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng giảm. Cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Thông qua việc tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" đã tạo được sự đồng tình ủng hộ của người dân và huy động được các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới. Công tác vận động được kết hợp chặt chẽ với công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, công tác dân vận đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức ngày hội ra quân, hội nghị nhân dân, hội thảo, hội thi, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phát tờ rơi, tài liệu hỏi - đáp; lắp đặt pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên … đã giúp cho người dân nắm vững, hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các tổ chức đoàn thể đều đề ra phong trào riêng phù hợp với tính chất, đối tượng và đem lại những hiệu quả rõ nét như: “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Cựu chiến binh tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới” …

Thông qua các phong trào, cuộc vận động trên đã giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân tự nguyện tham gia có trách nhiệm vào việc xây dựng nông thôn mới.

Công tác dân vận cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đã tiến hành vận động nhân dân góp ngày công, nguồn vốn, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa …

Được biết, từ năm 2011 đến nay, nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tự nguyện đóng góp trên 800 tỷ đồng, đồng thời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đóng góp trên 42 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình lập quy hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân được cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các đoàn thể tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo cho người dân được tham gia bàn bạc dân chủ, phát huy được trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức đầu tư xây dựng nông thôn mới theo đề án quy hoạch đã được phê duyệt./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 16/11/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất