Thứ Sáu, 8/11/2024
Bắc Giang: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay

Nghị quyết khẳng định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Xác định phương thức lãnh đạo công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp tục bám sát Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và xác định trọng tâm công tác dân vận là của các cơ quan nhà nước. Mục tiêu của Nghị quyết là tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Với nhiệm vụ tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận, ngoài các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết và sự chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết đã lựa chọn lấy tháng mười hàng năm là "Tháng Dân vận" để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận. Quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong bồi dưỡng nghiệp vụ công  tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ lực lượng vũ trang. Trên quan điểm phương thức lãnh đạo công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Nghị quyết đã đưa kết quả thực hiện công tác dân vận là một trong tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Lấy năng lực, kết quả thực hiện công tác dân vận là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.  

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan nhà nước phải  tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Rà soát, ban hành Quy chế công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở trong cơ quan, đơn vị bảo đảm yêu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế; quy định rõ chế độ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, sáng tạo trong tổ chức thực hiện gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao. Tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định những chủ trương, ban hành các chính sách có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân; bảo đảm dân chủ, minh bạch trong các hoạt động, nhất là việc thu, chi ngân sách, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng công chức, viên chức, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc tuyên truyền ngay từ ban đầu những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, cơ quan trực thuộc rà soát, ban hành Quy chế công tác dân vận trong đơn vị. Ban hành Quy định thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa hành chính để xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Thực hiện nền nếp công tác tiếp dân; nâng cao chất lượng, kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, tập trung vào các vụ việc phức tạp, kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, tài nguyên, môi trường, không để phát sinh "điểm nóng". Người đứng đầu các cơ quan nhà nước tăng cường chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; có trách nhiệm giải trình về những vấn đề bức xúc, kiến nghị của người dân.   

Để thực hiện nhiệm vụ phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Nghị quyết đặt ra các giải pháp cụ thể, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt của các chi, tổ hội và Ban công tác Mặt trận; làm tốt công tác vận động tập hợp quần chúng; chú trọng giáo dục, động viên đoàn viên, hội viên phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội với đầy đủ ý thức trách nhiệm của người làm chủ; quan tâm củng cố, xây dựng và phát triển các đoàn thể trong doanh nghiệp. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phải phát huy vai trò tham mưu và nòng cốt trong công tác dân vận, nắm bắt tình hình nhân dân, thực hành dân chủ; chủ động dự báo, nắm chắc tình hình nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những vấn đề nhân dân quan tâm; đồng thời có trách nhiệm thông tin cho nhân dân biết kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định.  

Đối với phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo", Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh yêu cầu các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh phong trào cho phù hợp với   nhiệm vụ chính trị, gắn với phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thiết thực. Trong giai đoạn 2016-2020, tập trung xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Định kỳ tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” để nhân rộng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới nội dung, tiêu chí, phương pháp đánh giá hiệu quả các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" của các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu xây dựng, nhân rộng mô hình cơ quan, đảng bộ "Dân vận khéo". Ủy ban nhân dân các cấp định kỳ tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các điển hình "Dân vận khéo" gắn với phong trào thi đua yêu nước.

Để phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan nghiên cứu, tham mưu về công tác dân vận, các cấp ủy cần quan tâm củng cố tổ chức bộ máy, chỉ đạo đổi mới hoạt động của hệ thống dân vận phù hợp với thực tế địa phương. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác giữa cơ quan dân vận với các ngành liên quan. Tăng cường nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn về công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, uy tín cá nhân và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Với trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, tin tưởng rằng việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 110-NQ/TU sẽ giúp công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo đồng thuận, giữ gìn ổn định để Bắc Giang phát triển nhanh, vững chắc trong những năm tới./.

Trịnh Thanh Giang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi