Nhìn lại bức tranh tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận 25 năm qua, có thể thấy rõ sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành và Nhân dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận trong hệ thống chính trị của tỉnh. Dân chủ được mở rộng, khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo được quan tâm xây dựng, củng cố tăng cường; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Những kết quả trên cho thấy công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã có những đổi mới cơ bản, toàn diện cả về nhận thức cũng như phương thức tiến hành, đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới. Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy các cấp triển khai kịp thời và có hiệu quả nhiều chủ trương, chỉ thị, Nghị quyết về công tác dân vận, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết 8B (khóa VI), Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân giải quyết những nguyện vọng, bức xúc chính đáng của Nhân dân liên quan đến các chương trình, dự án, an sinh xã hội; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, ổn định sản xuất và đời sống.
Điển hình trong năm 2016, các cấp, các ngành đã tiếp 2.029 lượt công dân; tiếp nhận và giải quyết 1.615/1.687 đơn khiếu nại, tố cáo; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 1,101 tỷ đồng, 15.000 m2 đất; kiến nghị khôi phục quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ bổ sung cho công dân 1,855 tỷ đồng và 83.576 m2 đất. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và các lực lượng làm công tác vận động quần chúng trong tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức hoạt động; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, hướng mạnh hơn về cơ sở; quan tâm, chăm lo hơn nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng; ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội. Đối với việc triển khai nhân rộng mô hình Tổ dân vận thôn, khu phố, từ thí điểm 21 tổ ban đầu ở 7 huyện, thành phố vào năm 2013, đến nay tỉnh ta đã thành lập 402 Tổ dân vận ở 402 thôn, khu phố (đạt 100%); mỗi tổ có từ 9-11 người. Các Tổ dân vận thôn, khu phố đã bước đầu đi vào hoạt động có kết quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra ở địa phương. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ về công tác dân vận đầy đủ, sâu sắc hơn; không ít vụ, việc nổi cộm kéo dài nhờ thông qua hoạt động Tổ dân vận đã giải quyết thấu tình, đạt lý được Nhân dân đồng thuận cao.
Trải qua 25 năm tỉnh xây dựng và phát triển, với sự đóng góp tích cực của công tác dân vận trong hệ thống chính trị, dân chủ được mở rộng, khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo được quan tâm xây dựng củng cố tăng cường. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự đi vào đời sống xã hội của Nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện phong trào trên, ở tỉnh có 995 mô hình do các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực; trong đó có 437 mô hình (267 mô hình tập thể và 170 mô hình cá nhân) hiệu quả đã được tỉnh, huyện, thành phố biểu dương khen thưởng và nhân rộng. Năm 2016, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tham gia Chương trình xây dựng NTM được Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp tham mưu UBND tỉnh phát động giai đoạn 2016-2020 gắn với phong trào quản lý đô thị xanh, sạch, lịch sự, thân thiện trên địa bàn tỉnh, qua đó các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, các huyện, thành ủy và đảng ủy xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai và đăng ký thi đua.
Từ bài học kinh nghiệm 25 năm qua, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân vận, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập hợp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng NTM. Việc thực hiện phong trào phải gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trọng tâm là tiếp tục phát hiện, xây dựng các mô hình, điển hình mới, đồng thời quan tâm bồi dưỡng nhân rộng các mô hình, điển hình đã xây dựng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nguồn: baoninhthuan.com.vn, ngày 29/03/2017