Thứ Hai, 6/1/2025
Phấn đấu tới năm 2020 giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng về người có công
 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc. 


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Thị Mai chủ trì buổi làm việc.

Kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ – ngày toàn Đảng, toàn dân tri ân với người có công và gia đình người có công với cách mạng, Ban Bí thư quyết định chỉ đạo Ban cán sự Đảng và Ban chỉ đạo dự án tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 07/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với công tác người có công.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp trình bày về Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng với nội dung: Các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng; đánh giá tình hình xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 07/CT-TW; báo cáo triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TW và những nhiệm vụ  và giải pháp lớn đối với công tác người có công trong thời gian tới.

Với chỉ thị mới của Ban bí thư,  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai góp ý, tại Cương lĩnh sửa đổi bổ sung năm 2011 có dùng khái niệm “người có công với nước” bao hàm luôn người có công với cách mạng. Hiện nay, trong tương lai sẽ tiếp tục có những người có công với nước cần vinh danh, vì vậy khái niệm “người có công với nước” rộng hơn, bao hàm cả hiện tại và tương lai. 

Trao đổi về những vấn đề gặp khó khăn trong thực hiện chính sách người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Những trường hợp bị tố cáo, chúng tôi kiên quyết xử lý, có những trường hợp tự giác khai báo sau khi trục lợi chính sách do trước đây không hiểu rõ hết quy định. Vướng mắc, tổng kết bước đầu pháp lệnh người có công có 11 vướng mắc, ví dụ như nghị định số 31/NĐ-CP gặp khó khăn trong triển khai thực hiện chăm lo đời sống, mức lương của các đối tượng người có công".

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng Tờ trình, dự thảo Đề án, trong đó có chia nhiều giai đoạn rõ ràng, cụ thể để Ban Bí thư có thể nhìn nhận lại toàn bộ quá trình thực hiện Chỉ thị số 07. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Bộ cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản, trong đó cần bổ sung, phân tích rõ thêm về kết quả các chính sách đối với từng lĩnh vực: Trợ cấp người có công, bảo hiểm y tế, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, nhà ở, tuyển sinh, dạy nghề, giáo dục đào tạo cho con, em gia đình người có công...

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có sự so sánh giữa việc thực hiện các Pháp lệnh 1994 và 2012 để thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chính sách chăm sóc người có công, trong đó trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với kết quả đã làm được, Bộ cần đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn; nghiên cứu giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Quan trọng nhất là hướng đến các mục tiêu cụ thể liên quan đến đời sống người có công; phấn đấu tới năm 2020 giải quyết được các hồ sơ còn tồn đọng; 100% người có công có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống tối thiểu của người dân nơi cư trú; quyết tâm giải quyết việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

Nguồn: laodong.com.vn, ngày 03/7/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất