Thứ Bảy, 4/1/2025
'Dân vận khéo' là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị

 Quang cảnh hội nghị

Năm 2017, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDCCS, một số cấp ủy địa phương đã có những đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu triển khai các hoạt động. Các xã, phường, thị trấn ngày càng thực hiện tốt hơn việc công khai 11 nội dung cần được công khai để nhân dân được biết, bàn, kiểm tra, giám sát theo quy định.

Các xã, phường, thị trấn đã phát huy được dân chủ trong huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM, đô thị văn minh. Công tác cải cách hành chính được cấp ủy, chính quyền cấp xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tăng cường, hạn chế đơn thư vượt cấp.

Đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, đã xây dựng được quy chế, quy định về thực hiện QCDCCS như quy chế hoạt động cơ quan, chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính và đơn thư khiếu nại, tố cáo, quy chế thi đua, khen thưởng…

Đến nay, 100% sở, ngành cấp tỉnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là mức độ 3 phát triển vượt bậc; đã cung cấp 1.190 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và được tích hợp lên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Các doanh nghiệp nhà nước cũng đã xây dựng được quy chế và điều hành thực hiện cơ bản đúng với quy chế; đã có sự quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động…

Về công tác tôn giáo, năm 2017, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đã tham mưu BTV Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo 68 cấp tỉnh về giải quyết, xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh, ổn định tình hình.

Đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai gắn với các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, trong đó, trọng tâm là phong trào “Cả tỉnh chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Năm 2017, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng và nhân rộng 1.700 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có 350 mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến xung quanh những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện QCDCCS, “Dân vận khéo”; đề xuất, kiến nghị giải pháp tổ chức tốt hoạt động để ổn định tình hình, tập trung phát triển KT-XH.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng ghi nhận, biểu dương hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDCCS, công tác tôn giáo và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong năm qua.

 Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Dân vận khéo” suy cho cùng là việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận là việc của cả hệ thống chính trị, trong đó “dân vận khéo” đóng vai trò hết sức quan trọng, vì vậy, cả hệ thống chính trị phải làm “dân vận khéo”.

Cán bộ phải nhuần nhuyễn, sâu sát về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phải có kỹ năng vận động, thuyết phục để làm tốt công tác dân vận, tạo sự thống nhất, tạo niềm tin đối với nhân dân. Các đảng bộ, sở, ngành, đơn vị cần nhân rộng các điển hình về dân vận khéo…

Về thực hiện QCDCCS, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, thực hiện mở rộng dân chủ trong Đảng, từ đó, mở rộng dân chủ trong dân. BCH Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết 02 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, đưa nghị quyết vào cuộc sống./.

Nguồn: baohatinh.vn, ngày 6/3/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất