Chủ Nhật, 29/12/2024
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Kính thưa các vị đại biểu,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng và phấn khởi lại được cùng các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt của cả hệ thống chính trị tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương ngay đầu năm mới 2022 để nhìn lại các công việc chúng ta đã làm năm 2021 và thảo luận, thống nhất về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo chức năng, trách nhiệm của Chính phủ. Trước hết, tôi xin gửi tới các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chúng ta vừa được nghe báo cáo đầy đủ, toàn diện của Chính phủ cùng với ý kiến phát biểu phong phú, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Chính phủ đã chuẩn bị rất chu đáo cho Hội nghị này, nhất là về các tài liệu gửi cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Sau đây, tôi xin tham góp một số ý kiến có tính gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí tham khảo, cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận.

I- VỀ NHÌN LẠI NĂM 2021

Như chúng ta đều biết, năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều, chưa bền vững; lạm phát tăng nhanh; thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng phải chống đỡ với khó khăn, thách thức rất lớn do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là:

Thứ nhất, chúng ta đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đợt dịch thứ tư bùng phát ở những địa bàn đông dân cư đã dẫn đến sự quá tải cục bộ hệ thống y tế ở thời điểm vaccine khan hiếm và chưa có thuốc đặc trị. Dưới sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, sự quản lý, điều hành ráo riết, cụ thể của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và đồng bào, chiến sĩ cả nước ta đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch; hạn chế tối đa thiệt hại và kiềm chế được dịch bệnh; tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Nếu đầu tháng 5/2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vaccine, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vaccine với tỉ lệ bao phủ 1 mũi vaccine là 99,6%; tỉ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới); đang tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi với tỉ lệ bao phủ tiêm 1 mũi là 85,6%, tiêm 2 mũi là 57% và sẽ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi vào đầu năm nay.

Vào những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc ta lại càng được phát huy mạnh mẽ. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch (y tế, quân đội, công an, tổ Covid cộng đồng,...) đã bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm làm việc với tinh thần "tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân". Các cấp uỷ đảng, chính quyền và lực lượng chức năng ở cơ sở đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để trực tiếp kiểm tra, động viên, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, người dân, doanh nghiệp... trong và ngoài nước đã có nhiều sáng kiến, việc làm cụ thể, thiết thực tham gia công tác phòng, chống dịch. Những nỗ lực và kết quả đó đã góp phần tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Thứ hai, chúng ta đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Nền kinh tế nước ta tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III âm 6% do đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhưng sang quý IV đã đạt mức tăng 5,22%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4,61%), và cả năm ước tăng 2,58%. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại); cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá ổn định; mặt bằng lãi suất bình quân giảm; dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố, tăng trên 10%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tương đương 34,4% GDP, tăng 1,2% so với năm 2020. Nông nghiệp tiếp tục giữ được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD.

Một số tổ chức tín dụng yếu kém, dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ, kéo dài đang từng bước được xử lý. Đã khởi công xây dựng một số công trình, dự án đường bộ cao tốc; tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.

Thứ ba, trong khó khăn, chúng ta vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức rất thành công, đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ. Các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân tiếp tục được quan tâm. Đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức dạy và học trực tiếp, trực tuyến một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.

Thứ tư, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả; chủ quyền quốc gia, môi trường hoà bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Xử lý linh hoạt, hiệu quả và phù hợp các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm; bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là hoạt động ngoại giao vắc-xin. Công tác bảo hộ công dân, thông tin đối ngoại, ngoại giao kinh tế, văn hoá tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Hội nghị đối ngoại, ngoại giao toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức đã thành công tốt đẹp; trên cơ sở đánh giá toàn diện thành tựu đối ngoại trong hơn 35 năm đổi mới, đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, và nhận diện rõ những xu hướng, vấn đề lớn đang diễn ra trên thế giới để đề ra và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống đối ngoại của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng ta và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc "cây tre Việt Nam".

Thứ năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng, có sự chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất. Chúng ta đã tổ chức rất thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021); tiếp theo đó là 4 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (tháng 5/2021); tiến hành ba Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV để kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đại hội XIII và các nghị quyết hội nghị của Trung ương Đảng. Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương theo đúng tiến độ, kịp thời, với sự đồng thuận, nhất trí cao, được dư luận quốc tế rất quan tâm. Đặc biệt là, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan nội chính, xây dựng Đảng, các ngành văn hoá, đối ngoại lần đầu tiên đều đã tổ chức rất thành công các hội nghị toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, được xem như là một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần như tôi đã nhiều lần nói là: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", và "Dọc ngang thông suốt".

Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tích to lớn đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức hết sức nặng nề, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tiếp tục làm rạng rỡ Tổ quốc ta, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống anh hùng của Dân tộc ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập:

Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (6%). Thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Kinh tế-xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí phải giải thể, phá sản. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gẫy. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng. Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở và y tế dự phòng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhiều nơi còn khó khăn; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực chưa có sự chuyển biến rõ nét. Dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và đấu tranh, phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Quốc phòng, an ninh còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp...

Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém và vượt qua khó khăn, thách thức, Hội nghị chúng ta ngày hôm nay cần tập trung phân tích sâu sắc, kỹ lưỡng, toàn diện, tạo sự thống nhất cao về đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

II- VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2022

Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó xác định rõ các mục tiêu và nhiệm vụ cho năm 2022. Tôi cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, chỉ gợi ý, nhấn mạnh thêm một số vấn đề mang tính định hướng để Hội nghị của chúng ta cùng suy nghĩ, trao đổi.

Một là, cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp. Tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin, nhanh chóng bao phủ cơ bản 2 mũi cho người được phép tiêm chủng vắc-xin. Bảo đảm đủ vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đề cao tính tự giác, tích cực, chủ động của người dân trong phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Hai là, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, quyết định của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm.

Thưa các đồng chí,

Trong 2 năm 2020-2021 vừa qua và năm 2022-2023 tới đây, cùng với toàn thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với "Kẻ thù vô hình - COVID-19" như tên của cuốn sách của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch vừa mới phát hành với tinh thần chống dịch như chống giặc. "Kẻ thù vô hình - COVID-19" là hết sức nguy hiểm, nó không chỉ cướp đi sinh mạng của con người mà còn có thể huỷ hoại nhiều thành quả mà nhân loại và nhân dân ta đã dày công vun đắp. Để có thể chiến thắng "Kẻ thù vô hình - COVID-19" hết sức nguy hiểm và tàn ác này, giữ gìn, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết là mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa; Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường.

Nhân dịp năm mới 2022 và chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, tôi xin chúc Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021!

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang kỳ vọng, đòi hỏi và trông chờ ở chúng ta, ở các đồng chí!

Chúc toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công./.

-----------------

Gửi cho bạn bè