Thứ Sáu, 1/11/2024
Hoàn thiện thể chế tuyển dụng công chức, đẩy mạnh cải cách hành chính

Đó là ý kiến chỉ đạo tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tương Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ.

Hoàn thiện thể chế tuyển dụng công chức, tránh tiêu cực

Cũng tại thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu quy định về thi nâng ngạch bảo đảm công khai, minh bạch, xác định môn và hình thức thi phù hợp nhằm mục đích bảo đảm đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công vụ; tăng cường thanh tra giám sát chống tiêu cực và gian lận trong việc thi nâng ngạch; việc xác định vị trí việc làm phải bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành các Đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những Đề án phải lùi thời hạn trình, trong đó, lưu ý các văn bản về: tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với đối tượng cán bộ.

Riêng việc xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2016; đề xuất phương án để hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc bổ nhiệm chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách khả thi để thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ, lựa chọn các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù để xác định chính xác người có tài năng, lưu ý thủ tục tiếp tục công nhận người có tài năng sau một thời gian làm việc.

Tổ chức thực hiện tinh giản biên chế, tránh tinh giản biên chế không đúng đối tượng, sử dụng việc tinh giản biên chế không đúng mục đích. Tổng hợp, cập nhật số liệu về tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ thủ tục rườm rà

Bộ Nội vụ triển khai Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020, phối hợp và đôn đốc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các rào cản, thủ tục rườm rà, loại bỏ các giấy phép con không phù hợp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung cấp dịch vụ công qua mạng, liên thông giữa các lĩnh vực, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ sớm đề xuất phương án xử lý sự thiếu thống nhất về đầu mối tiếp nhận và trả hồ sơ đăng ký kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện công bố đúng thời hạn chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai xác định chỉ số hài lòng về chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo.

Sửa đổi quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIV để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, đề xuất phương án xử lý theo tinh thần của Luật tổ chức Chính phủ; tập trung thực hiện và đôn đốc việc thực hiện việc rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các Luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành, đề xuất sắp xếp lại hoặc giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành không hoạt động hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo tinh thần Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời đánh giá tác động và đề xuất nguyên tắc việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập từ doanh nghiệp về trực thuộc cơ quan hành chính, báo cáo Thường trực Chính phủ.

Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi cơ chế quản lý tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.

Vy Hoa

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất