Thứ Hai, 6/1/2025
Chủ tịch nước gặp mặt học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các em học sinh, sinh viên tiêu biểu tại buổi gặp mặt.​

Đây là hoạt động được tổ chức thường xuyên những năm gần đây, do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. 
Hiện nay, trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập ở 50 tỉnh/thành phố, với 314 trường (3 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 51 trường cấp tỉnh, 260 trường cấp huyện); tổng số học sinh dân tộc nội trú toàn quốc là 91.193 học sinh (tăng 2.964 học sinh so với năm học 2014-2015). 
Hầu hết các tỉnh, huyện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trường phổ thông dân tộc nội trú, một số địa phương có trường liên huyện, trường cụm xã. Tất cả các dân tộc thiểu số đều đã có con em theo học tại trường phổ thông dân tộc nội trú. 
Trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm học 2015-2016, có 102 em học sinh dân tộc thiểu số đạt giải, trong đó có 1 em đạt giải Nhất, 16 em đạt giải Nhì, 44 em đạt giải Ba và 41 em đạt giải Khuyến khích, trong số này có những gương mặt tiêu biểu, như em H’ Lê Na Niê (dân tộc Êđê, tỉnh Đắk Lắk) - giải Ba môn Ngữ văn, hiện là sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Dương Thái Bảo (dân tộc Dao, tỉnh Thái Nguyên) - giải Nhì môn Địa lý, đang theo học năm thứ nhất khoa Xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Lô Đức Mạnh (dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An) - giải Nhì môn Lịch sử, hiện là sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân... 
Trong kỳ xét tuyển vào đại học kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2016, có 39 học sinh dân tộc thiểu số đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó có những em vừa đạt giải học sinh giỏi quốc gia, vừa đạt từ 27 điểm thi trung học phổ thông quốc gia, như Tống Mỹ Linh (dân tộc Hà Nhì, trường trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Lai Châu); Lê Ngọc Lan Tuyết (dân tộc Nùng, trường trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên); Nghiêm Dương Luân (dân tộc Hoa, trường Trung học thực hành Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh); Hoàng Thúy Ngân (dân tộc Tày, trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái). 
Nêu bật những bước tiến của giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, công tác giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế​-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. 
Các cấp học, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông đều tăng cả về số trường, số lớp và số học sinh. 
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trường dự bị đại học dân tộc cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương. 
Công tác đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ và đào tạo, cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số được tập trung đẩy mạnh. 
Phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” được triển khai sâu rộng với nhiều kết quả tích cực; số lượng các em học sinh dân tộc thiểu số học giỏi, đỗ điểm cao vào đại học và đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia ngày càng tăng, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi 137 em học sinh dân tộc thiểu số đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ điểm cao vào các trường đại học. 
Chủ tịch nước hoan nghênh Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan đã thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu dương, trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích cao trong học tập, góp phần động viên, khích lệ các em nỗ lực vươn lên. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 
Cùng với đó là chăm lo về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giáo dục, đào tạo theo hướng mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện nghèo; tổ chức liên thông trung học cơ sở và trung học phổ thông tại trường dân tộc nội trú cấp huyện; củng cố các trường, khoa dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các bậc cha mẹ, thầy giáo, cô giáo tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chăm lo, đầu tư nhiều hơn nữa đối với công tác giáo dục, đào tạo ở vùng dân thiểu số và miền núi. 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. 
Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2016 diễn ra tại Hội trường Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam vào ngày 5/11. 
Năm nay có 137 em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được trao thưởng. Lễ tuyên dương là nguồn cổ vũ, động viên các em vươn lên trong học tập và rèn luyện. 
Đây cũng là dịp đế các em được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập, tiếp tục phát huy thành tích học tập tốt, phấn đấu trở thành những nhân tài cống hiến cho sự phát triển kinh tế​-xã hội của đất nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng./. 

Nguồn: vietnamplus.vn​, 4/11/2016

 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất