Thứ Sáu, 1/11/2024
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2017

Theo sử sách, cách đây 1.030 năm, tức năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền được coi như một ngày Quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn, khuyến khích nhân dân lao động, sản xuất.


 Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu dâng hương trước linh vị vua Lê Đại Hành

Trong bản văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông đã báo cáo những thành tích mà Hà Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong phong trào xây dựng Nông thôn mới; đồng thời bày tỏ lòng thành kính đối với đấng minh quân đã khai sinh ra một mỹ tục cho nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi lễ dâng hương tiên tổ khai sáng ra Lễ hội Tịch điền - một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, hướng cho con người chăm chỉ lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 
 Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng trên thửa Kim Điền và Ngân Điền

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”.  

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Lễ hội Tịch điền được tổ chức hằng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được Nhà nước ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”. Đây là lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao tinh thần trọng nông, vai trò của nhà nông… Hòa cùng sắc xuân đất trời, khí thế của lòng người, Lễ hội Tịch điền được tổ chức cùng với sự tôn vinh di sản và công bố các xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016 đã mang đến một tinh thần mới, động lực mới, báo hiệu những mùa xuân ấm no, hạnh phúc, giàu đẹp trên quê hương Hà Nam. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, tình hình kinh tế trong nước và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề an ninh lương thực ngày càng quan trọng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của mặt trận nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, đồng chí, đồng bào trong cả nước ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới; bày tỏ tin tưởng và mong muốn tỉnh Hà Nam và các địa phương trong cả nước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, chế biến và xuất khẩu nông sản chất lượng cao ra thế giới, góp phần nâng cao đời sống của người dân, xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp…


Chủ tịch nước Trần Đại Quang đích thân điều khiển máy cày 
cày những luống đất đầu tiên trong Lễ hội Tịch điền

Sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống. Đích thân Chủ tịch nước Trần Đại Quang điều khiển máy cày khởi xướng cho một dàn máy cày vận hành, cày những luống đất đầu tiên, thể hiện cho tinh thần cả nước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Hà Nam đã trao Bằng công nhận Nông thôn mới cho 26 xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong toàn tỉnh năm 2016./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 3/2/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất