Thứ Sáu, 1/11/2024
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017: Từ đối thoại đến hành động
 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: nhandan.com.vn 


Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ chí Minh; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, các hiệp hội, hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế; gần 2.000 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, doanh nhân trực tiếp tham dự hội nghị, cùng hàng vạn đại biểu tham dự trực tuyến tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi và người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sĩ Lương Văn Can là những người tiêu biểu mang hoài bão lớn, bắt kịp xu thế thời đại; bài học, tấm gương và khát vọng của các bậc tiền nhân là niềm cảm hứng và làm rạng danh thương hiệu Doanh nhân Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng, nhưng đó mới là những bước đi đầu tiên với những kết quả còn khiêm tốn; phía trước còn nhiều việc phải làm vì còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn trên tinh thần thẳng thắn, chân thành và xây dựng, các đại biểu đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để có thể bứt phá trong phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Hội nghị được nghe các ý kiến đánh giá kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và tập trung thảo luận một số vấn đề chính:

Thứ nhất, những cơ chế chính sách, quy định pháp luật hiện cản trở đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, nhân lực…

Thứ hai, các quy trình, thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho danh nghiệp.

Thứ ba, các giải pháp cần thiết để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cả về số lượng, chất lượng, trước mắt và lâu dài.

Thứ tư, các vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp trong tranh chấp pháp lý trong nước và quốc tế.

Thứ năm, những bất cập và đề xuất, kiến nghị về cơ chế phản hồi thông tin, giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần đổi mới hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp và phần báo cáo, trả lời kiến nghị của các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết của Chính phủ là quyết liệt chuyển từ lời nói thành hành động; cam kết Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh, độ tin cậy, an toàn cao; các nhà đầu tư, doanh nghiệp được tôn trọng, vinh danh.

 
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc
không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần.
 Ảnh: VGP/Quang Hiếu
​ 

 
Đồng thời, qua Hội nghị, Chính phủ nhận diện rõ hơn nhiều vấn đề cơ bản trong phát triển doanh nghiệp, như:

Thể chế chính sách chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được.

Về thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số chuẩn mực còn gây khó khăn cho doanh nghiệp; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp kém hiệu quả gây thiệt hại và bức xúc không đáng có cho doanh nghiệp.

Đặc biệt việc tiếp cận tín dụng, giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến cho dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời tín hiệu thị trường.

Từ những bất cập, hạn chế đó, trong thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt.

Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật bằng cách bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định; bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo Thủ tướng, tại kỳ họp Quốc hội tới đây, Chính phủ sẽ trình các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để phân bổ lại cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh, khả năng cải thiện năng suất.

Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. 

Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, xây dựng kiến tạo các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp, nâng cao chất lượng ngành dịch vụ Y tế, BHYT, BHXH, hệ thống phúc lợi xã hội đầu tư cho nghiên cứu khoa học…; tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Thủ tướng cam kết tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. Để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho đất nước.

Ngay trong khi đang chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký chỉ thị nhằm tránh tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo với doanh nghiệp - Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 thể hiện tinh thần quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ. Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. 

Phương Thủy

 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất