Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế 9 tháng tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011

Nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016. Các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những năm tới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%.

Khu vực dịch vụ tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016 . Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm 9 tháng như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,85%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,89%...

Đảm bảo thực hiện mục các mục tiêu cả năm 2018 đã đề ra

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, từ nay đến hết năm, để duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra, cần phải tiếp tục các giải pháp quan trọng như: điều hành tiền tệ một cách đồng bộ, kiểm soát tốt tín dụng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, ứng dụng công nghệ cao…Tập trung xử lý tiến độ giải ngân đầu tư công các tháng cuối năm, chú trọng các dự án lớn, quan trọng, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh các công trình dự án có ý nghĩa đối với nền kinh tế; thúc đẩy thị trường; giảm đầu tư thứ cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính,  tạo thuận lợi môi trường kinh doanh; đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ... tạo dựng các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu quốc gia; theo dõi sát giá cả thị trường, đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%, hạn chế thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận xã hội và rối loạn thị trường; phát triển thị trường trong nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; cần đổi mới thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đổi mới phương thức đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; theo dõi chặt thiên tai, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường...

Ông Nguyễn Bích Lâm bày tỏ tin tưởng vào triển vọng cả năm 2018 và nhận định, năng lực nền kinh tế thời gian vừa qua được mở rộng, rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng, các nhà máy công nghiệp chế biến chế tạo, các nhà máy thuỷ điện… cùng rất nhiều công trình ở các nhóm cơ sở hạ tầng, sản xuất điện, nông nghiệp, đê điều, mương dẫn nước… đều được đầu tư hoàn thành và đi vào sử dụng nên năng lực kinh tế đi lên. Đây là cơ sở cũng là tiền đề để kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý IV/2018  nói riêng và cả năm tới nói chung./.

 Kiên Trung

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi