Chủ Nhật, 29/12/2024
Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019.

Nghị quyết quyết nghị thông qua dự toán NSNN năm 2019 với nội dung cụ thể như sau: Tổng số thu NSNN là 1.411.300 tỷ đồng (một triệu, bốn trăm mười một nghìn, ba trăm tỷ đồng). Tổng số chi NSNN là 1.633.300 tỷ đồng (một triệu, sáu trăm ba mươi ba nghìn, ba trăm tỷ đồng). Mức bội chi NSNN là 222.000 tỷ đồng (hai trăm hai mươi hai nghìn tỷ đồng), tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tổng mức vay của NSNN là 425.252 tỷ đồng (bốn trăm hai mươi lăm nghìn, hai trăm năm mươi hai tỷ đồng).

Về sử dụng nguồn kinh phí còn lại và chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017, Nghị quyết nêu rõ, cho phép sử dụng 10.380 tỷ đồng kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: Bù giảm thu cân đối ngân sách Trung ương là 5.894 tỷ đồng; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương là 2.815 tỷ đồng; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương là 1.671 tỷ đồng. Số kinh phí này quyết toán vào chi NSNN năm 2017.

Giao Chính phủ rà soát khoản kinh phí 12.254,9 tỷ đồng theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ để sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2018 và quyết toán vào NSNN năm 2018. Trường hợp không giải ngân hết, thực hiện hủy dự toán theo quy định.

Nghị quyết cũng quyết nghị các nội dung cụ thể về điều chỉnh, bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán NSNN năm 2018.

Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2019. Cụ thể, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách, chấp hành dự toán NSNN đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN; cơ cấu lại các khoản thu; mở rộng cơ sở thu. Nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư, một số khoản thu để lại chưa được đưa vào cân đối ngân sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quyết liệt chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Không ban hành chính sách làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập.

Điều hành chi NSNN theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi NSNN. Rà soát lại các chương trình mục tiêu để bãi bỏ các nội dung chồng chéo, kém hiệu quả.

Tăng cường quản lý, tránh thất thoát, lãng phí NSNN, nhất là quản lý chặt chẽ về suất đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Bổ sung các định mức kỹ thuật của ngành, lĩnh vực, góp phần giảm chi phí đầu tư. Thực hiện nghiêm quy định về việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2019 không quá 40.000 tỷ đồng để đầu tư cho các chương trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Hoàn thiện các văn bản quy định và đẩy mạnh tiến độ thực hiện về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của từng lĩnh vực, bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời. Rà soát, tổ chức sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; cơ chế tài chính đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị trong một số ngành, lĩnh vực bảo đảm theo đúng quy định của Luật NSNN.

Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019.

Nghị quyết cũng giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về giám sát và kiểm toán việc thực hiện dự toán NSNN, Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị quyết này. Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, kiểm toán việc thực hiện nghị quyết này, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Hoàng/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi