Thứ Sáu, 26/4/2024
Chính phủ đặt mục tiêu bứt phá trong năm 2019

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã tới dự hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Kết quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Năm 2018, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả rất cụ thể. Mỗi thành quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp mà ngược lại đã đem lại cho chúng ta khả năng chủ động ứng phó cũng như dẫn động đến nền kinh tế Việt Nam vào những xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu.


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu 

Thủ tướng cho rằng: “Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị” và bày tỏ: “Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”.

Năm 2019, Chính phủ đưa ra phương châm hành động là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 4 trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững, với 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường… Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định quyết tâm: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”…

Một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018 được đưa ra tại Hội nghị: Tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008; GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với 2018. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54%. Dự trữ ngoại hối nhà nước đạt trên 60 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt trên 6% so với dự toán và tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát ở mức 3,6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%, tương đương 33,5% GDP. Vốn đầu tư tư nhân tăng 18,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 35,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; xuất siêu 7,2 tỷ USD. Hạ tầng đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa ước 38,4% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 38-40%). Có 61 huyện và trên 42% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra (38,8%).

Các chính sách xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%, riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5%. Hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho trên 178.000 hộ.  

Hội nghị được nghe Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2018; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (Nghị quyết 01); Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Nghị quyết 02) và nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương.

Không khí phấn khởi, tin tưởng lan tỏa rộng khắp

Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những kết quả chúng ta đã đạt được trong năm 2018 là rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; giúp Đảng, Nhà nước có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý trong quá trình phát triển, xây dựng đất nước; đồng thời tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020.

 


 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Điểm lại 8 lĩnh vực nổi bật toàn diện mà đất nước đã hoàn thành tốt trong năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng: “Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan toả rộng khắp trên cả nước”. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi; bởi vì, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nghiêm khắc chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Trong năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ, các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần ra sức phấn đấu, khẩn trương đề ra và chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra. Trên tinh thần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 4 nhóm nhiệm vụ lớn cần tập trung tập trung ưu tiên thực hiện:

Một là, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế…

Hai là, quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa đối với việc xây dựng và phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cho con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực này…

Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Bốn là, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Nhân dịp năm mới 2019 và Xuân Kỷ Hợi sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó và mong muốn kết quả đạt được năm 2019 phải cao hơn năm 2018.

Một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018 được đưa ra tại Hội nghị: Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 58,6%, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ khoảng 23 - 23,5%. Đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,65 triệu người, trong đó đưa khoảng 142 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mạng lưới khám, chữa bệnh được tập trung đầu tư, nâng số giường bệnh trên 1 vạn dân lên đạt 26,5 giường (hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2020 là 26,5 giường). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%). 

Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đã giảm số lượng lớn các tổng cục, vụ, cục thuộc bộ và giảm trên 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Thành lập Ủy ban Quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay, có khoảng 47 nghìn dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở cấp độ 3, 4 tại các bộ, ngành, địa phương.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 286 nghìn lượt công dân, tiếp nhận gần 230 nghìn đơn thư; giải quyết gần 17 nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo (đạt trên 84%).

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất