Sáng 16/7, Sở Y tế Bắc Giang đã tổ chức “Hội nghị Triển khai chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới (WB) năm 2020” tại tỉnh Bắc Giang.
Đến dự và chủ trì Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế; Lãnh đạo và chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm y tế các huyện; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện.
Bắc Giang là 1 trong 21 tỉnh thành trên cả nước thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB” giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình có 3 hợp phần, bao gồm: cấp nước nông thôn, vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá.
Tại Bắc Giang, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” được thực hiện từ năm 2016. Tuy nhiên phải đến cuối năm 2017 Chương trình mới được triển khai. Song kết quả thực hiện Chương trình tại tỉnh Bắc Giang còn chưa hiệu quả. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh mới đạt 5/50 xã đạt vệ sinh toàn xã, 25 xã đã được kiểm đếm vào tháng 6/2020 và đang đợi kết quả nghiệm thu từ Ngân hàng Thế giới (WB). Ngành Y tế đã xây dựng được 26/76 công trình vệ sinh Trạm y tế, 50 công trình còn lại đang được tiếp tục xây dựng trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Đối với hợp phần truyền thông nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá đã triển khai tại 31/50 xã tham gia vệ sinh toàn xã, và 19 xã còn lại đang được triển khai trong năm 2020.
Trước những khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình, Ban Điều phối Trung ương đã đề xuất với nhà tài trợ WB gia hạn kéo dài chương trình thêm 24 tháng (dự kiến đến 30/7/2023) cho toàn bộ 21 tỉnh, thành tham gia Chương trình trên toàn quốc.
Hội nghị đã triển khai những nội dung liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo của địa phương, đơn vị, việc tổ chức thực hiện các hoạt động thuộc hợp phần vệ sinh nông thôn, nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá trong Chương trình trên địa bàn huyện, xã. Qua đó các đại biểu đã có cơ hội trao đổi những kinh nghiệm bổ ích trong công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể thực hiện vệ sinh nông thôn; việc lồng ghép vệ sinh nông thôn với thực hiện một số chương trình hoạt động tại địa phương như: Chương trìn xóa đói giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới… Từ đó, Hội nghị đi đến thống nhất các giải pháp thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Bích Hợp