Thứ Sáu, 3/5/2024
Ngành y tế Điện Biên thực hiện hiệu quả hợp phần vệ sinh nông thôn

 Đặt khoanh bê tông đúc sẵn xây nhà tiêu hợp vệ sinh

 

Hợp phần vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, năm 2021 được triển khai tại 45 xã thuộc 9 huyện, thị xã. Trong đó, 35 xã thực hiện các hoạt động nhằm duy trì vệ sinh toàn xã bền vững; 10 xã thực hiện hoạt động kiểm đếm công trình nước, nhà vệ sinh của trường học, trạm y tế nhằm đánh giá và công nhận xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững sau 2 năm. 

Để chương trình triển khai hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (cơ quan thường trực của ngành Y tế) đã phối hợp cùng trung tâm y tế các huyện hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu, tiến hành nghiệm thu nhà tiêu tại các hộ gia đình trong diện được hỗ trợ; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh gia đình; hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn tuyến huyện, xã lập hồ sơ minh chứng, kiểm đếm; hướng dẫn cán bộ xã và trạm y tế làm biên bản họp triển khai chương trình; lập kế hoạch hoạt động và hoàn thành bảng, biểu chuẩn bị công tác kiểm đếm; hướng dẫn các thôn, bản làm biên bản họp thôn.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, nghiệm thu 979 nhà tiêu của 979 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 27 xã thuộc 9 huyện, thị xã xây mới, nâng cấp nhà tiêu hộ gia đình. Hiện 90 hộ gia đình đã xây dựng xong nhà tiêu, 889 hộ đang xây dựng. Qua đó, góp phần thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân và hộ gia đình, tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng công trình đạt vệ sinh trên địa bàn tỉnh.


 Xây nhà tiêu hợp vệ sinh

 

Bằng nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả tích cực. Đến hết năm 2020, đã có 24 xã được công nhận đạt vệ sinh toàn xã cho cả hộ gia đình và công trình công cộng (năm 2021 chưa kiểm đếm). Việc triển khai hợp phần vệ sinh nông thôn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực; được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhận thức của cộng đồng về nước sạch, vệ sinh môi trường không ngừng nâng lên; từ đó giúp họ thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt; đồng thời từng bước xoá bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Chương trình còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt tại tuyến cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế tuyến tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị triển khai Chương trình cấp tỉnh với tổng số gần 160 lượt đại biểu tham dự; mở 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh, huyện, xã với tổng số trên 230 lượt đại biểu. Đối với tuyến huyện, xã, thôn, bản đã tổ chức 106 hội nghị triển khai Chương trình với hơn 3.000 lượt người tham dự; tổ chức 48 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông, tiếp thị và phát triển thị trường vệ sinh giá rẻ cho cộng tác viên nòng cốt, với 1.640 lượt người tham gia. Trong giai đoạn này, ngành Y tế đã thực hiện trên 600 cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá, hỗ trợ tuyến huyện, xã thực hiện các hoạt động của Chương trình. Các huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) tổ chức 256 cuộc kiểm tra, giám sát; hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 2.459 hộ gia đình.

Năm 2021, các hoạt động của Chương trình triển khai tại 45 xã, thuộc 9 huyện, thị xã. Mục tiêu đề ra: 100% hộ dân của 45 xã tham gia Chương trình được cung cấp kiến thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng nhằm duy trì xã đạt vệ sinh toàn xã, phấn đấu xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững; 25 xã đạt vệ sinh toàn xã năm 2020 và 10 xã đạt vệ sinh toàn xã năm 2019 tiếp tục duy trì từ 80% số hộ gia đình có điểm rửa tay với xà phòng hoặc chất thay thế nhằm đạt vệ sinh toàn xã vào năm 2022; hỗ trợ 979 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 27 xã thuộc 9 huyện, thị xây mới, nâng cấp nhà tiêu hộ gia đình…

 Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 35 số xã mới đạt vệ sinh toàn xã; 10 xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững. Qua đó đã nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh hộ gia đình và vệ sinh cá nhân nhằm thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân và hộ gia đình, góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Thanh Huyền


Gửi cho bạn bè

Các tin khác