Đó là tên gọi trìu mến người dân xã Tân Lập (Vũ Thư, Thái Bình) dành cho ông Trần Văn Thi. Dù mang trong mình thương tật và chất độc da cam/Điôxin từ cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng ông luôn nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương, trở thành tấm gương lao động sản xuất giỏi để nhiều người học tập.
|
Ông Trần Văn Thi chăm sóc cây cảnh |
Khi đất nước vẫn còn mưa bom bão đạn, những thanh niên trai tráng đều được gọi lên đường nhập ngũ. Thế nhưng với chàng trai trẻ Trần Văn Thi, thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập (Vũ Thư), để được tham gia quân ngũ thì phải viết đơn tình nguyện bởi cân nặng không đủ. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên hơn ai hết chàng trai trẻ hiểu được việc tòng quân nhập ngũ là một nghĩa vụ rất thiêng liêng. Trở thành người lính Cụ Hồ khi vừa tròn 18 tuổi, Trần Văn Thi đã trải qua các chiến trường ác liệt như chiến trường Xa-van-na-khét (Lào), chiến trường Đông Nam Bộ... Sau gần 19 năm phục vụ trong quân đội, ông trở về quê hương, mang theo thương tật mất 21% sức khỏe, bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/Điôxin. Khi đó sức khỏe vợ ông yếu, 4 người con lần lượt ra đời thì người con gái thứ hai bị ảnh hưởng bởi CĐDC/Điôxin, kinh tế gia đình rất khó khăn.
Ông Thi cho biết: Hồi ấy tôi làm rất nhiều nghề, từ làm long nhãn, buôn lúa giống cho đến buôn xe máy, vợ tôi không may sức khỏe yếu nên cuộc sống rất chật vật. Đến năm 2000, tôi nhận thấy việc làm cây cảnh vừa là thú chơi tao nhã lại vừa có thu nhập, phù hợp với điều kiện sức khỏe nên từ đó đến nay gia đình tôi chủ yếu sống và duy trì bằng nghề này.
Bằng ý chí của người lính trên trận tuyến mới, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông Thi đã đi nhiều nơi như Hải Dương, Hà Nội học hỏi kỹ thuật, cách tạo thế cho cây. Ngoài ra, ông còn mày mò tìm hiểu thêm từ sách báo, tham gia các lớp tập huấn trong xã, trong huyện... để có thêm kiến thức, vừa àm vừa rút kinh nghiệm. Mặc dù cơ thể không lành lặn nhưng với tinh thần vượt khó và đôi bàn tay khéo léo, cây cảnh của ông ngày một đẹp, có giá. Những gốc sanh, si, lộc vừng, hoa lan... được ông chăm chút, tạo dáng thế khác nhau không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn mang về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông. Từ cây mà ông nuôi 4 người con ăn học trưởng thành. Và cũng chính từ cái nghề “thổi hồn vào những dáng cây” mà năm 2006 gia đình ông xây được nhà mới, sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Ngôi nhà 2 tầng khang trang, bề thế rộng hơn 100m2 là minh chứng rõ nét cho sự lao động cần cù, sáng tạo của người thương binh, nạn nhân CĐDC/Điôxin năm nay 72 tuổi đời, 53 năm tuổi đảng.
Với tài năng, tâm huyết và trách nhiệm nên ông Thi được tin tưởng cử giữ nhiều chức vụ ở địa phương như: Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin xã, Phó Chủ tịch hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã... Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực các hoạt động của địa phương. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã tự nguyện đi đầu hiến hơn 100m2 đất thổ cư và phá toàn bộ trên 40m tường bao, cổng dậu. Ngoài ra, ông còn vận động các hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin xã hiến 225m2 đất thổ canh, hàng trăm mét vuông đất thổ cư, phá dỡ hàng chục mét tường bao, cổng dậu và tham gia hàng trăm ngày công làm nên những tuyến đường mới sạch đẹp, góp phần thay đổi diện mạo làng quê. Cũng chính từ đây, ông được người dân trong thôn, trong xã trìu mến gọi với cái tên thân mật, đáng trân trọng: “Ông Thi dân vận”.
Giờ đây, về Tân Lập, đi trên con đường trục xã láng nhựa phẳng lì, thẳng tắp, người dân trong xã không quên nhắc đến ông Thi, người góp công đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ngoài chuyện làm đường, ông còn tích cực tham gia xây dựng các công trình như: bia Tổ quốc ghi công, hồ đình làng Tăng Bổng... Ông cũng vận động nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ hàng chục triệu đồng vào quỹ Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin xã, tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà nạn nhân CĐDC/Điôxin. Ông vinh dự được tặng bằng khen của UBND tỉnh vì đã có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin Việt Nam, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh.
Nhận xét về ông, bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin huyện Vũ Thư cho biết: Ông Trần Văn Thi luôn nỗ lực vượt qua nỗi đau da cam, cần cù lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và tích cực giúp đỡ hội viên. Ông cũng là người có nhiều đóng góp vào các công trình phúc lợi của xã, của thôn và tham gia nhiều phong trào của địa phương, góp phần vào thành tích chung của Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin huyện Vũ Thư.
(baothaibinh.com.vn)